Bộ Tài chính vừa có Văn bản số 13094/BTC-QLN báo cáo lãnh đạo Chính phủ về nguyên nhân của tình trạng có nhiều địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vay lại năm 2023.
27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31.8, có 33 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại dẫn đến thay đổi mức vay của từng địa phương so với mức được Quốc hội đã quyết định. Cụ thể, có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại, với tổng số đề nghị giảm là 5.565,149 tỉ đồng; 6 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại, với tổng số đề nghị tăng là 349,344 tỉ đồng.
Trong số các nhóm dự án xin điều chỉnh giảm dự toán vay lại, nhóm các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư là nhóm chiếm số tiền lớn nhất (47% tổng số tiền đề xuất giảm); nhóm các dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân phần vốn tỉnh chưa phân bổ là nhóm có số tiền lớn thứ hai (23% tổng số tiền đề xuất giảm) và có số địa phương xin điều chuyển nhiều nhất.
Ngược lại, một số địa phương xin điều chỉnh tăng kế hoạch vốn vay lại là do: các tỉnh có dự án sẽ hết thời hạn giải ngân trong năm 2023 nên cần bổ sung kế hoạch vốn để giải ngân; các tỉnh xin bổ sung kế hoạch vốn để phù hợp với tiến độ triển khai trong năm 2023 của các dự án.
Kiên quyết loại bỏ dự án không có khả năng giải ngân
Để hạn chế tình trạng xin điều chỉnh dự toán vay lại trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương cần đánh giá đúng khả năng giải ngân của các dự án để đề xuất giao kế hoạch vốn phù hợp; đặc biệt là các dự án đang có khó khăn, vướng mắc, các dự án đang phải điều chỉnh chủ trương đầu tư; kiên quyết loại bỏ các dự án không có khả năng giải ngân.
Đối với các dự án có năm kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng, cần đánh giá khối lượng công việc còn lại, khả năng hoàn thành trong năm kế hoạch để đề xuất số vốn giao kế hoạch vốn phù hợp do các dự án này chiếm tỷ lệ trả kế hoạch vốn khá cao.
Các địa phương cần nâng cao chất lượng của khâu chuẩn bị dự án để đảm bảo các dự án khi đã được cấp phép có thể triển khai đúng kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị TP.HCM cần nghiêm túc rà soát lại cách thức lập kế hoạch vốn để đảm bảo hiệu quả, phù hợp bởi TP.HCM là địa phương trả lại dự toán nhiều nhất, chiếm 50% tổng số kế hoạch vốn trả lại.
Riêng đối với UBND TP.Hà Nội, ngay sau khi Ủy ban Tài chính – Ngân sách họp thẩm định nội dung này, ngày 31.10, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản đề nghị không tăng dự toán vốn vay lại như đề xuất trước đó mà xin giảm dự toán vay lại.
Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.Hà Nội nghiêm túc rút kinh nghiệm về rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn, nắm rõ khó khăn, vướng mắc và tình hình triển khai của các dự án trên địa bàn để đảm bảo nhất quán, phù hợp trong việc xây dựng và đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn.
Đối với các bộ tổng hợp, Bộ Tài chính đề xuất hạn chế việc giao kế hoạch vốn đầu tư công kéo dài nguồn nước ngoài để tránh tình trạng thiếu kế hoạch vốn vay lại. Đồng thời, thận trọng hơn trong việc giao kế hoạch vốn với các dự án mới chưa ký hiệp định vay, tránh việc đề xuất kế hoạch vốn cao hơn khả năng.
Theo Quyết định 458/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023, kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương như sau: vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác khoảng 27.198 tỉ đồng.
Trả nợ của chính quyền địa phương là 4.993 tỉ đồng, gồm chi trả gốc 2.804 tỉ đồng và chi trả lãi 2.189 tỉ đồng.