Bệnh nhân vảy nến nên tập hít thở, học cách thư giãn cơ, đối phó suy nghĩ tiêu cực, xây dựng các mối quan hệ, ngủ ngon giấc để kiểm soát stress.
Theo Ths.BS Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP HCM, lo lắng, căng thẳng ảnh hưởng người bệnh vảy nến theo 4 cách gồm phản ứng thể chất như tim đập nhanh, bụng cồn cào, căng cơ, khô miệng…; tâm trạng, cảm xúc như lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn; hành vi trốn tránh; suy nghĩ theo hướng tích cực, tự ti.
Lo lắng, căng thẳng hay trầm cảm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh vảy nến, đồng thời có thể khởi phát bệnh hoặc làm bệnh nặng hơn. Để kiểm soát tốt bệnh, cần kiểm soát được các trạng thái tâm lý tiêu cực trên.
Dưới đây là một số phương pháp giúp người bệnh vảy nến vượt qua các cảm xúc tiêu cực:
Tập hít thở
Khi lo lắng, nhịp thở sẽ thay đổi, trở nên nhanh và không đều. Việc tập hít thở giúp giảm bớt phản ứng căng thẳng.
Người bệnh có thể tập hít thở bằng cách đặt một tay lên ngực và một tay lên bụng. Khi hít vào, tay ở ngực giữ yên, tay còn lại kéo bụng xuống tạo khoảng không cho phổi mở lớn hơn. Tập hít thở đều đặn, hít vào đếm từ 1 đến 3, sau đó thở ra cũng đếm đến 3. Không cố gắng nín thở hay hít thở quá sâu. Luôn hít thở bình thường giữa các nhịp thở sâu.
Học cách thư giãn cơ
Một cách giúp giảm bớt căng thẳng là tập thư giãn cơ. Thư giãn cơ giúp người bệnh giảm cảm giác lo lắng, sợ hãi. Phương pháp tập giãn cơ tập trung vào từng nhóm cơ riêng lẻ, nhận biết cảm giác của chúng trong trạng thái căng thẳng và thư giãn, sau đó thả lỏng từng nhóm cơ.
Đôi khi tưởng tượng trước những tình huống khiến bạn căng thẳng, sợ hãi sẽ giúp đối phó tốt hơn khi gặp trong thực tế.
Bằng cách hình dung và tập luyện các phản ứng có thể xảy ra, bạn sẽ nhận ra rằng mình có thể thoải mái đối phó với những tình huống khiến bản thân lo sợ.
Hiểu và đối phó với những suy nghĩ tiêu cực
Thông thường, những người trầm cảm hay lo lắng sẽ thường suy nghĩ sự việc theo chiều hướng tiêu cực hơn thực tế rất nhiều. Những suy nghĩ này không mang lại lợi ích mà còn dẫn đến tâm trạng lo lắng, thấp thỏm, gây cản trở cuộc sống. Do đó, điều quan trọng là phải cố gắng nhận thức những suy nghĩ này và đối phó với chúng.
Một số kỹ thuật có thể hữu ích như ngừng suy nghĩ; phương pháp đánh lạc hướng suy nghĩ và nhận biết và thay đổi suy nghĩ tiêu cực.
Xây dựng các mối quan hệ
Các mối quan hệ xung quanh ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh vảy nến. Việc tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp cũng góp phần kiểm soát trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Người bệnh có thể tập trung xây dựng các mối quan hệ với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và kết bạn mới.
Tham gia các câu lạc bộ hỗ trợ người bệnh vảy nến
Các câu lạc bộ, tổ chức phi chính phủ, hội nhóm… sẽ hỗ trợ, tuyên truyền, giáo dục cũng như cung cấp các thông tin hữu ích cho người bệnh vảy nến.
Ngủ ngon giấc
Để có giấc ngủ ngon, người bệnh nên tránh các chất kích thích, gây mất ngủ như trà, cà phê, đồ uống có ga…, có thể tắm thư giãn trước lúc ngủ và không mang những lo lắng lên giường. Một giấc ngủ sâu, đủ giấc sẽ khiến tinh thần hăng hái, thoải mái vào sáng hôm sau.
Tìm kiếm sự tư vấn, hỗ trợ từ bác sĩ
Nếu vẫn còn những lo lắng, băn khoăn về bệnh, bệnh nhân có thể đến khám và nói chuyện để tìm lời khuyên từ bác sĩ điều trị. Người bệnh có thể ghi chú vào giấy những điều cần hỏi trước buổi khám, các bác sĩ sẽ giải đáp thắc mắc cũng như đưa ra lời khuyên giúp giải tỏa những lo lắng, băn khoăn.
Mỹ Ý