TP HCMKịch lịch sử về Tả quân Lê Văn Duyệt – “đệ nhất khai quốc công thần” – thu hút 700 khán giả ở suất đầu tiên.
Dài hai tiếng rưỡi, tác phẩm lôi cuốn người xem nhờ xây dựng câu chuyện kịch tính. Đình Toàn tạo bất ngờ với lối diễn điềm tĩnh, giàu sức nặng nội tâm. Chân dung Lê Văn Duyệt không chỉ hiện lên bằng các công trạng, mà còn qua những lần đối thoại với các nhân vật xung quanh: Minh Mạng, Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý, phu nhân Đỗ Thị Phận (Hoàng Trinh).
Đối diện vua, ông thể hiện sự khảng khái của bậc công thần, không chịu luồn cúi như các gian thần xung quanh Minh Mạng. Khi Lê Văn Duyệt đã quyết, không ai có thể cản được ông, kể cả vua. Ở cạnh vợ, ông đau đáu vì không thể mang lại cho bà hạnh phúc hôn nhân theo đúng nghĩa, “đành đáp đền ở kiếp sau”.
Trước Huỳnh Công Lý, Tả quân lộ rõ sự khinh miệt, truy vấn cáo trạng ông ta đến cùng. Lê Văn Duyệt răn đe gian thần bởi triết lý “nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Quan niệm “chống tham quan như chống mối”, Tả quân cho rằng không phải triều đình, chính dân mới là những người ban cho ông phước lộc, của cải. Nhiều lần, Đình Toàn lấy được tiếng vỗ tay từ khán giả bởi cách nhấn nhá ở các câu thoại đắt giá, như “Pháp luật là ngọn roi nhỏ, chỉ đánh vào tay chân chứ không dám đánh vào đầu. Nhưng với ta, ta đánh từ đầu đánh xuống”.
Ở tuyến phản diện, Huỳnh Công Lý không phải dạng vai khó với Đại Nghĩa. Nghệ sĩ thể hiện trọn nét hung ác của một võ tướng vốn từng lập nhiều công, sau dần tha hóa vì ham chức quyền. Cùng con gái Huệ Phi, Phó trấn bộc lộ nhiều toan tính khi “để Lê Văn Duyệt lăn mình trong lửa đạn binh đao, còn Huỳnh Công Lý thì cứ ung dung ngồi hưởng lộc”. Đại Nghĩa cũng có nhiều phút tung hứng với các mảng miếng hài, như cảnh bỡn cợt với dân, chì chiết đám tay sai.
Các nhân vật còn lại chủ yếu tròn vai. Quang Thảo ghi dấu trong những cảnh diễn đối trọng với Lê Văn Duyệt, ấp ủ mưu đồ chính trị. Thâm tâm, Minh Mạng sợ thế lực lẫn sự khảng khái của Tả quân, song cũng phục ông vì một đời liêm khiết, được lòng bá tánh. Mỹ Duyên lột tả nét xảo quyệt lẫn lả lơi của một nàng phi vốn được vua cưng chiều như báu vật. Qua lối diễn của Hoàng Trinh, bà Đỗ Thị Phận mang tâm tư của người vợ thủy chung, canh cánh mỗi khi chồng gặp nguy nhưng suốt đời nguyện làm tri âm tri kỷ, chỗ dựa tinh thần cho Tả quân.
Vở níu chân khán giả đến khi kết thúc gần 23h. Họ vỗ tay theo từng lời của Lê Văn Duyệt mỗi khi đối diện gian thần. Khi ra về, người xem nán lại, chụp ảnh lưu niệm cùng backdrop, poster các nhân vật trong kịch.
Khán giả Nguyễn Thị Nguyên, 38 tuổi, cho biết dẫn theo con gái học lớp 8 để cô bé hiểu thêm về tướng huyền thoại. Khán giả này thích kịch bản mới khi xoáy sâu vào lớp diễn giữa vợ chồng Tả quân, điều nhiều vở khác chưa làm được khi khắc họa cuộc đời ông. “Âm thanh của vở chưa thực sự tốt lắm, nhiều lần bị mất tiếng diễn viên. Một số nghệ sĩ thỉnh thoảng vấp thoại, có thể do lần đầu công diễn nên họ lo lắng”, khán giả Nguyên nói.
Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Idecaf với dòng lịch sử sau 5 năm, kể từ nhạc kịch Tiên Nga gây sốt một thời. Dự án mở màn cho chương trình sân khấu Sử Việt học đường, được ông Huỳnh Anh Tuấn – giám đốc Idecaf – ấp ủ suốt nhiều năm qua.
Huỳnh Anh Tuấn cho biết êkíp dành một năm chuẩn bị cho vở kịch. Đội ngũ thiết kế ra Huế tìm chất liệu phù hợp để dựng bối cảnh, làm đạo cụ. Toàn bộ trang phục được đặt may từ xưởng chuyên chế tác cổ phục triều Nguyễn ở Huế. “Chúng tôi chủ trương bám sát không gian lịch sử – văn hóa với tiêu chí ‘đúng rồi mới đẹp'”, ông Tuấn nói. Tác phẩm tiếp tục diễn ngày 21 và 28/4 tại Nhà hát Thanh niên (quận 3, TP HCM), êkíp cho biết ba suất diễn đầu đã “cháy” vé.
Lê Văn Duyệt (1763-1832) còn gọi là Tả Quân Duyệt, là một nhà chính trị, quân sự, tham gia phò tá Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với quân Tây Sơn. Khi chiến tranh kết thúc, vương triều Nguyễn được thành lập, ông trở thành vị quan cấp cao trong triều đình và phục vụ hai vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) và Minh Mạng. Năm 1832, tướng quân Lê Văn Duyệt mất sau cơn bệnh, thọ 69 tuổi. Ông được chôn trên gò đất cao ở phía tây thành Gia Định, nay là Lăng Ông ở Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP HCM. Nhiều tác phẩm sân khấu được lấy cảm hứng từ cuộc đời ông, như kịch Tả quân Lê Văn Duyệt (Doãn Hoàng Giang đạo diễn), cải lương Trung thần (Hoa Hạ đạo diễn).
Mai Nhật