Giá vàng có thể tăng 50% lên 3.000 USD một ounce trong 12-18 tháng nếu kinh tế toàn cầu suy thoái sâu, các nhà băng trung ương tăng mua, theo Ngân hàng Citi.
Giá vàng giao ngay thế giới hiện giao dịch ở 2.016 USD một ounce, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh lịch sử 2.135 USD hồi tháng 12/2023. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Ngân hàng Citi cho rằng vàng có thể lên 3.000 USD một ounce trong 12-18 tháng tới.
Theo Aakash Doshi – trưởng nhóm phân tích hàng hóa khu vực Bắc Mỹ tại Citi, kịch bản khả thi nhất kéo vàng lên 3.000 USD một ounce là xu hướng phi đôla hóa tại ngân hàng trung ương các nước mới nổi tăng tốc. Việc này có thể khiến lực mua vàng của các ngân hàng trung ương tăng gấp đôi. Hiện, trang sức vẫn là lực đẩy chính cho nhu cầu vàng.
“Xu hướng này đang diễn ra, nhưng khá chậm. Nếu được đẩy nhanh, khủng hoảng niềm tin vào USD sẽ diễn ra”, Aakash Doshi cho biết.
Vài năm qua, lực mua vàng của các ngân hàng trung ương đã “tăng lên mức kỷ lục”, khi họ tìm cách đa dạng hóa dự trữ và giảm rủi ro tín dụng, Citi cho biết. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Nga mua mạnh nhất. Theo sau là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.
Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) hồi tháng 1 cho thấy các ngân hàng trung ương đã mua ròng hơn 1.000 tấn vàng năm thứ hai liên tiếp. “Nếu con số này gấp đôi, lên 2.000 tấn, chúng tôi cho rằng đây sẽ là lực đẩy lớn cho giá vàng”, Doshi cho biết.
Bên cạnh đó, việc toàn cầu suy thoái sâu cũng có thể kéo giá kim loại quý lên 3.000 USD, vì kịch bản này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất mạnh tay. “Lãi suất có thể giảm về 3%, hoặc thậm chí 1%, giúp vàng lập đỉnh mới”, Doshi nói.
Dù vậy, ông cho rằng đây chỉ là kịch bản có xác suất thấp.
Giá vàng có xu hướng diễn biến ngược chiều với lãi suất, do kim loại quý không trả lãi. Khi lãi suất giảm, vàng sẽ hấp dẫn so với các công cụ trả lãi cố định, như trái phiếu.
Lãi suất tham chiếu tại Mỹ duy trì quanh 5,25-5,5% trong 8 tháng qua. Đây là mức cao nhất từ năm 2001 – sau khi bong bóng dotcom vỡ vụn. Các thị trường hiện dự báo Fed giảm lãi suất trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới.
Stagflation (tăng trưởng chậm kèm lạm phát) cũng có thể là một lực đẩy khác. Vàng được coi là công cụ trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động kinh tế – chính trị. Nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang kim loại quý này, bỏ qua các tài sản rủi ro như chứng khoán, trong các thời kỳ trên.
Dù vậy, cũng như trên, Doshi cho rằng kịch bản này “có xác suất rất thấp”.
Với điều kiện bình thường, Citi dự báo giá vàng trung bình quanh 2.000 USD nửa đầu năm và lên 2.150 USD nửa cuối 2024. Nhà băng này kỳ vọng về cuối năm, giá có khả năng lập đỉnh mới.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)