Nếu tái đắc cử, ông Biden sẽ tìm cách tăng chi ngân sách để trợ cấp sản xuất, phúc lợi xã hội nhưng vẫn ngờ vực toàn cầu hóa.
Các đối thủ của Joe Biden tập trung vào tuổi tác của ông như một điểm yếu khi ông tranh cử tổng thống năm 2020. Nhưng nghịch lý là khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, lãnh đạo 81 tuổi này có lẽ đã dẫn dắt một chính phủ Mỹ năng động nhất trong gần nửa thế kỷ, theo The Economist.
Theo đó, ông đã tung ra các gói chi tiêu để giảm nghèo và khuyến khích công nghiệp nhằm định hình lại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dĩ nhiên, có nhiều tranh luận về giá trị mang lại của những chính sách này. Ví dụ, chi tiêu liên bang tăng mạnh làm trầm trọng thêm tình hình ngân sách. Hay các khoản trợ cấp dành cho các công ty đầu tư vào Mỹ đã khiến các đồng minh tức giận.
Nhưng không thể phủ nhận nhiều chính sách trong số này đã có tác dụng. Chỉ cần nhìn vào sự bùng nổ trong xây dựng nhà máy cũng thấy đầu tư vào cơ sở sản xuất đã tăng hơn gấp đôi dưới thời ông Biden, tăng vọt lên mức cao kỷ lục.
Giống như bất kỳ tổng thống nào, chương trình nghị sự của ông Biden cho đến nay vẫn bị quốc hội giới hạn. Dự luật “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” trị giá 3.500 tỷ USD của ông gồm nhiều hạng mục, nhưng thành công nhất đến giờ là mảng đầu tư, bao gồm ba phần luật tập trung vào cơ sở hạ tầng, chất bán dẫn và công nghệ xanh.
Theo đó, có 3 luật được ký ban hành liên quan đến các nội dung này, tạo thành nỗ lực trị giá 2.000 tỷ USD để định hình lại nền kinh tế Mỹ. Đó được xem là một nhiệm kỳ tổng thống hiệu quả, theo Economist.
Trong lần tái tranh cử năm nay, phương châm của Biden là “Chúng ta có thể hoàn thành công việc”, nghe giống cam kết của một nhà thầu xây dựng hơn là lời hùng biện chính trị. Tuy nhiên, các cố vấn hiện tại và trước đây của tổng thống cho rằng “Bidenomics” giống như cuộc cách mạng kinh tế Mỹ. Cuộc cách mạng này sẽ đi về đâu nếu ông Biden tiếp tục điều hành Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai?
Có 2 kịch bản xảy ra. Đầu tiên, nếu đảng Cộng hòa vẫn giữ quyền kiểm soát Hạ viện hoặc Thượng viện, hoặc cả hai, các cố vấn nói rằng trọng tâm của ông Biden sẽ là bảo vệ những thành tựu lập pháp của mình. Đảng Cộng hòa sẽ không thể hủy bỏ các gói đầu tư của Biden nhưng có thể cản trở chúng.
Ví dụ, gói tài trợ gần 200 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến cần quốc hội thông qua để chi tiêu. Đến nay, chỉ mới 19 tỷ USD được trao cho 3 cơ quan nghiên cứu liên bang, thấp hơn gần 30% theo kế hoạch, theo Matt Hourihan của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.
Vì vậy, nếu quốc hội từ chối hợp tác, tiền thực tế được chi sẽ bị siết chặt hơn. Khi ấy, việc khởi động đầu tư trong vài năm qua có thể sẽ giảm. Các nhà sản xuất sẽ phải vật lộn để tồn tại vì chi phí đầu vào đắt đỏ.
Nhưng ông Biden sẽ có một số đòn bẩy. Nhiều khoản cắt giảm thuế lớn được thông qua thời Donald Trump sẽ hết hạn vào cuối 2025. Nếu đảng Cộng hòa muốn gia hạn chúng để tránh thuế suất tăng vọt, khả năng họ phải thương lượng với ông Biden, đổi bằng việc ủng hộ một số ưu tiên của tổng thống, bao gồm cả trợ cấp công nghiệp, bất kể nguy cơ ảnh hưởng ngân sách ra sao.
Nhưng điều gì xảy ra nếu đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện? Ông Biden có thể triển khai các kế hoạch chưa thành trong chương trình nghị sự “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” của mình, bao gồm trường mầm non miễn phí, tăng trợ cấp trẻ em, người già và các phúc lợi xã hội khác.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen mô tả chương trình nghị sự này là “kinh tế học trọng cung hiện đại”. Bà lập luận rằng đầu tư vào giáo dục sẽ giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn, còn chăm sóc sức khỏe sẽ giải phóng mọi người, đặc biệt là phụ nữ, để làm việc, dẫn đến lực lượng lao động lớn hơn.
Nhưng nó cũng sẽ rất tốn kém, dẫn đến chi tiêu bổ sung ít nhất là 100 tỷ USD mỗi năm, tương đương tăng thêm nửa điểm phần trăm vào thâm hụt liên bang, vốn đạt mức 7,5% GDP vào 2023. Triển khai thực tế cũng không dễ. Ví dụ, tài trợ chăm sóc trẻ em sẽ thúc đẩy nhu cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân sự.
Mong muốn củng cố công đoàn ông Biden cũng có cơ hội củng cố. Năm ngoái, ông trở thành tổng thống đầu tiên tham gia biểu tình, khi cùng tham gia cuộc đình công của công nhân ôtô gần Detroit. Nhưng ngoài hành động và lời nói mang tính biểu tượng thì nỗ lực thúc đẩy Đạo luật ủng hộ để thúc đẩy thương lượng tập thể và hạn chế sự can thiệp của các công ty vào quyết định của công đoàn chưa thành công. Việc tái đắc cử và đảng Dân chủ kiểm soát quốc hội sẽ mở cơ hội cho ông.
Đối với những người ủng hộ, tham vọng tăng chi tiêu từ chăm sóc trẻ em đến trợ cấp bán dẫn của ông Biden sẽ làm cho nước Mỹ trở nên bình đẳng hơn, và thúc đẩy ngành công nghiệp. Nhưng với những người phản đối, đó là viễn cảnh một chính phủ quay lại với mô hình lỗi thời tập trung vào sản xuất và công đoàn, điều có thể làm căng thẳng quan hệ với các đồng minh.
Ngoài ra, còn có những hoài nghi về đường hướng kinh tế đối ngoại. Ví dụ, câu hỏi lớn là liệu Mỹ và châu Âu có thể đạt thỏa thuận về các khoáng sản quan trọng, và hợp tác cùng nhau để đảm bảo đầu vào cho hoạt động sản xuất pin và hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc được hay không. Đến nay, ông Biden vẫn ngờ vực về toàn cầu hóa. Gần đây, ông tạm dừng phê duyệt xuất khẩu khí hóa lỏng và gần như chắc chắn sẽ duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Trước mắt, để có khả năng tiếp tục điều hành nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông Biden phải thuyết phục được người Mỹ. Khi chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử, ông nhấn mạnh việc mọi người đã bắt đầu cảm thấy tốt hơn về tình trạng nền kinh tế. Đây sẽ là vấn đề quan trọng đối với họ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
“Chúng ta đã thông qua nhiều đạo luật thực sự tốt. Sẽ mất thời gian để bắt đầu có hiệu lực, nhưng giờ đây nó đã có tác động trong việc xoay chuyển tình thế nền kinh tế”, ông nói hôm 25/1 tại một sự kiện ở Superior, Wisconsin.
Tuy nhiên, nhìn chung cử tri Mỹ vẫn có cái nhìn mù mờ về khả năng quản lý kinh tế của ông Biden. Một cuộc thăm dò vào tháng 12 của Wall Street Journal cho thấy “Bidenomics” được ít hơn 30% cử tri tán thành và hơn một nửa không tán thành.
Kinh nghiệm lịch sử cũng có phần bất lợi cho ông, nếu xét ở góc độ kinh tế. Tạp chí nghiên cứu Conversation chỉ ra rằng, khi người Mỹ tự tin về nền kinh tế, họ có xu hướng ủng hộ tổng thống đương nhiệm. Ngược lại, họ sẽ bỏ phiếu cho người khác nếu bi quan.
Trong 45 năm qua, từ tháng 1/1978 đến tháng 12/2023, niềm tin người tiêu dùng tăng lên nhanh chóng như dưới thời Ronald Reagan của đảng Cộng hòa vào những năm 1980 và một lần nữa dưới thời Bill Clinton của đảng Dân chủ vào những năm 1990. Khi ấy, tỷ lệ ủng hộ tổng thống đương nhiệm cũng tăng đồng thời.
Ngược lại, niềm tin đạt mức thấp nhất vào năm 2008 sau cuộc khủng hoảng tài chính, khi ông George W. Bush ở Nhà Trắng. Tỷ lệ tán thành giảm khi Barack Obama được bầu làm tổng thống vào năm đó. Với ông Biden, một cuộc thăm dò của Gallup được công bố vào tháng 12/2023 cho thấy 22% người tiêu dùng hài lòng và 77% không hài lòng với tình trạng của quốc gia.
Theo Conversation, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng vượt kỳ vọng nhưng các chỉ số GDP có thể mang lại cảm giác mơ hồ và xa rời thực tế của người bình thường. Cho đến nay, các chỉ số kinh tế đã có sự gia tăng trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 11 nhưng không có tác động tích cực nào đối với ông Biden. “Trong khi nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt, các cử tri chưa nhất thiết cảm thấy điều đó trong túi tiền của họ”, tạp chí nhận xét.
Phiên An (theo Economist, ABC, Conversation)