Khu trục hạm John Finn của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, quân đội Trung Quốc điều lực lượng theo dõi toàn bộ quá trình.
“Khu trục hạm tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John Finn thực hiện chuyến đi thường kỳ qua eo biển Đài Loan ngày 5/3”, Hạm đội 7 của hải quân Mỹ thông báo.
Hạm đội 7 tuyên bố chuyến đi diễn ra trên khu vực “không nằm trong lãnh hải của bất cứ nước nào, nơi mọi quốc gia được hưởng các quyền tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác tuân theo luật quốc tế liên quan đến những quyền tự do này”.
Giới chức Trung Quốc sau đó chỉ trích chuyến đi của khu trục hạm Mỹ, gọi đây là “động thái tuyên truyền thổi phồng”. Quân đội Trung Quốc điều chiến hạm và máy bay theo dõi toàn bộ hành trình qua eo biển Đài Loan của chiến hạm Mỹ, đồng thời tuyên bố họ “luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ để đối phó với các mối đe dọa”.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cùng ngày cho biết đã theo dõi chuyến đi của khu trục hạm John Finn cùng “các hoạt động trên vùng biển và vùng trời xung quanh hòn đảo”, nhận định tình hình trong khu vực bình thường.
Chuyến đi của khu trục hạm John Finn diễn ra cùng ngày Trung Quốc khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC), tức quốc hội. Trung Quốc thông báo tăng 7,2% ngân sách quốc phòng trong năm nay, lên mức hơn 230 tỷ USD, cao thứ hai thế giới sau Mỹ.
Trung Quốc từ lâu tuyên bố eo biển Đài Loan “không phải vùng biển quốc tế” mà là một phần vùng đặc quyền kinh tế của nước này, cho rằng tàu quân sự nước ngoài bị hạn chế hoạt động trong khu vực.
Mỹ cùng một số quốc gia đồng minh nhiều lần cho chiến hạm hoặc tàu công vụ đi qua eo biển Đài Loan, động thái bị Trung Quốc phản đối song thường không bị ngăn cản trên thực địa.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Giới lãnh đạo Mỹ thừa nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”, song vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan và cung cấp nhiều vũ khí, vật tư quân sự cho hòn đảo.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)