Khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án chống ngập 10.000 tỷ là không thể tiếp tục huy động nguồn vốn để thi công hoàn thành công trình.
Chiều 7/11, tại họp báo về tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM, ông Đỗ Quang Hưng, Trưởng phòng Tổng hợp công tư – Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM đã chia sẻ những thông tin về dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỷ).
Ông Hưng cho biết, dự án được triển khai theo phương thức PPP (đầu tư theo phương thức công tư). Hiện nay, dự án đang phát sinh khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân chính là do sự thay đổi liên tục về các quy định pháp lý liên quan việc áp dụng cơ chế của hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).
“Đến nay, mặc dù dự án đã hoàn thành 90%, nhưng UBND TP.HCM vẫn chưa thể thanh toán cho nhà đầu tư dự án. Lý do là chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định của pháp luật và quy định của hợp đồng đã ký kết kèm theo đó là các điều kiện giải ngân khoản vay, tái cấp vốn cho dự án cũng đã hết hạn”, ông Hưng chia sẻ.
Cũng theo ông Hưng, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập riêng một tổ công tác để chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án.
TP.HCM cũng đã chủ động nghiên cứu và nhiều lần đề xuất Trung ương các phương án để tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa được thống nhất do vướng các quy định về pháp luật.
UBND TP.HCM cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện và đề xuất phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.
“Khó khăn lớn nhất của dự án là việc không thể tiếp tục huy động nguồn vốn, dự kiến 1.800 tỷ đồng để thi công hoàn thành công trình”, ông Hưng nói thêm.
Giải thích kỹ hơn, ông Hưng cho biết, vướng mắc này xuất phát từ việc ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư để trình ngân hàng Nhà nước thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.
Thực tế, ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thu nợ, tái cấp vốn đối với ngân hàng BIDV được khoảng 3.560 tỷ đồng.
Vì vậy, trong trường hợp ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian khoản vay giải ngân tái cấp vốn thì BIDV cũng không thể tiếp tục giải ngân cho nhà đầu tư do chưa đủ điều kiện để UBND TP.HCM thanh toán.
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã có buổi họp, tìm cách tháo gỡ vướng mắc của dự án này. Tại đây, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các đơn vị xử lý hàng loạt vướng mắc của dự án trong tháng 11.
Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng khẩn trương xem xét, cấp giấy phép cáp ngầm và trụ cần vươn tại Cống ngăn triều Bến Nghé cho nhà đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm hoàn thiện báo cáo thẩm định dự toán, ca máy và thiết bị thi công các hạng mục.
Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét đề nghị của Công ty TNHH Trung Nam về đề xuất nguồn cát đắp nền các hạng mục thuộc dự án. Sở cần sớm có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định.
Lãnh đạo UBND TP yêu cầu trong đầu tháng 11, các đơn vị cần hoàn thành việc xem xét, xác nhận khối lượng hoàn thành, khối lượng thực hiện dự án.
Đến trước ngày 15/11, các sở cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cần rà soát nhân sự, gửi Sở Nội vụ để trình ban hành quyết định kiện toàn nhân sự tổ công tác dự án chống ngập 10.000 tỷ.
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam làm nhà đầu tư. Doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547.
Dự án thuộc nhóm A; hình thức đầu tư là đối tác công tư (PPP); hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất và ngân sách TP.HCM.
Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/khong-the-tiep-tuc-huy-dong-von-du-an-chong-ngap-10000-ty-192241107172321727.htm