(HNMO) – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 19-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng cho biết, mặc dù phạm vi điều chỉnh của hai dự thảo Luật cũng đề cập tới loại công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp nhưng Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp, có phần diện tích nhà ở. Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) điều chỉnh các nội dung liên quan đến các hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có cả nhà ở và các công trình khác. Do đó, phạm vi điều chỉnh của hai dự thảo luật không có sự chồng lấn.
Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các chính sách phát triển nhà ở nói chung và phát triển các loại nhà ở như nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư. Đối với nội dung liên quan đến hoạt động xây dựng đã dẫn chiếu sang pháp luật về xây dựng. Do đó, trên thực tế, việc áp dụng Luật Nhà ở và Luật Xây dựng không có sự trộn lẫn.
Về chính sách sở hữu nhà ở, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật sửa đổi. Tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến.
Tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá vỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây lại nhà chung cư; làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá vỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay. Cơ quan trụ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng giải trình ý kiến đề nghị xem xét quy định điều kiện, số lượng, loại nhà ở người nước ngoài được sở hữu, tránh ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở của công dân trong nước cũng như bảo đảm an ninh, quốc phòng. Theo đó, cơ quan trụ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ, thể hiện rõ, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến quy định về hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp thu ý kiến của đại biểu và tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh lại quy định này đảm bảo thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi).
“Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp tục rà soát, bổ sung làm rõ hơn các nội dung có liên quan như ý kiến của đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”, Bộ trưởng cho biết.
Đối với chính sách phát triển nhà ở xã hội, việc để UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn là phù hợp với thực tế cũng như pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ tiếp thu và sẽ bổ sung trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định tỷ lệ nhất định trong ngân sách địa phương; không quy định tỷ lệ tiền thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến đại biểu thể hiện đồng thuận cao với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, đồng thời góp ý thẳng thắn, tâm huyết về nhiều nội dung trong dự án luật, phân tích, đánh giá sâu sắc nhiều tồn tại, vướng mắc và đưa ra nhiều kiến nghị để hoàn thiện dự thảo luật. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ ý kiến, nghiên cứu tiếp thu, giải trình, tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến, tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.