“Quan điểm của lực lượng không quân về việc tiếp nhận máy bay phương Tây vẫn như cũ: Ưu tiên là những chiếc F-16 mà các phi công của chúng ta đang huấn luyện”, Đại tá Yurii Ihnat, người phát ngôn không quân Ukraine, nói với Ukrainska Pravda.
Trước đó, trả lời Reuters, Tư lệnh Lục quân Ukraine, tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết nước này cần thêm máy bay quân sự, như cường kích A-10 “lợn lòi” của Mỹ, để hỗ trợ bộ binh.
“Đây không phải là cỗ máy mới nhưng đáng tin cậy, đã được chứng minh trong nhiều cuộc chiến và sở hữu nhiều loại vũ khí để tiêu diệt các mục tiêu trên bộ nhằm hỗ trợ bộ binh”, ông Syrskyi nói.
A-10 Thunderbolt là cường kích cận âm được sản xuất tại Mỹ, được đưa vào sử dụng từ những năm 1970.
Đại diện không quân Ukraine cho rằng cường kích A-10 chỉ thực hiện chức năng duy nhất là hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất, trong khi chi phí bảo trì đắt hơn nhiều so với mẫu F-16 đa chức năng.
“Nền tảng A-10 sẽ quá nặng nề đối với không quân. Chúng tôi đơn giản là không đủ nguồn lực để phát triển loại máy bay này, cả về vật chất và con người”, người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine nói.
Ông Ihnat chỉ ra rằng với nhiệm vụ tấn công mặt đất từ trên không, quân đội Ukraine sẽ sử dụng cường kích Su-25 và trực thăng như Mi-24 và Mi-8.
Ông Ihnat nhấn mạnh rằng, điều kiện tiên quyết để thành công là giành được ưu thế trên không và điều này có thể tới từ F-16 và các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa.
“Tất nhiên, tướng Oleksandr Syrskyi, tư lệnh lục quân, muốn có thêm sự hỗ trợ trên không, nhưng Ukraine vẫn chưa gửi yêu cầu chính thức đề nghị được cung cấp máy bay A-10. Hiện nay, vấn đề số một vẫn là phát triển F-16”, ông Ihnat nói.
Kiev cần F-16
Kiev từ lâu đã muốn nhận máy bay F-16 từ phương Tây để bù đắp tổn thất của không quân nước này trong chiến sự với Nga.
Sau khi được Mỹ “bật đèn xanh”, Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy đều hứa cung cấp cho Ukraine những chiếc F-16 dôi dư. Ukraine có khả năng nhận được hơn 60 chiếc F-16.
Không quân Ukraine có lẽ chỉ còn chưa đầy 100 chiếc MiG-29 và Su-27 từ thập niên 1980 để đối phó Nga. Dù không còn là công nghệ tiên tiến, F-16 được coi là sự nâng cấp đáng kể cho phi đội của Ukraine.
Cây bút David Axe của Forbes đánh giá, F-16 dễ bay hơn máy bay phản lực kiểu Liên Xô, có thiết bị cảnh báo và gây nhiễu radar hiệu quả. Trong điều kiện thích hợp, chúng có thể theo dõi mục tiêu trên không và phóng tên lửa AIM-120 không đối không từ khoảng cách 80km hoặc xa hơn tùy mẫu cụ thể.
Khoảng cách đó có thể xa hơn hàng chục km so với tầm bắn tên lửa R-27 của một chiếc MiG hoặc Sukhoi.
Hiện nay, MiG-31 và Su-35, hai mẫu máy bay đánh chặn tốt nhất của không quân Nga, có thể tấn công mục tiêu trên không bằng tên lửa R-37 ở khoảng cách 130km hoặc xa hơn. Vì thế, phi công F-16 của Ukraine có thể sẽ tránh né thay vì giao chiến với 2 mẫu máy bay này.
Nhưng dù vậy, so với các loại máy bay chiến đấu, tên lửa hoặc máy bay không người lái khác, F-16 là sự cải tiến rõ rệt so với MiG-29 và Su-27, theo ông Axe.
Lãnh đạo và quan chức Nga luôn khẳng định, việc phương Tây cung cấp F-16 cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện và chỉ khiến giao tranh kéo dài hơn.