Đà NẵngSau nhiều năm làm điều dưỡng ở Bệnh viện Da liễu, anh Trần Văn Dũng thôi việc về quê nuôi ốc bươu đen, tạo doanh thu cả tỷ đồng mỗi quý.
Sáng sớm ngày đầu tháng 8, anh Dũng, 38 tuổi, chạy xe máy hơn 4 km từ nhà ở xã Hòa Phú xuống trại nuôi ốc bươu ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Do thuê đất nằm cạnh ruộng lúa, anh phải men theo con đường đất ngoằn nghèo mới đến được ba ao nuôi rộng hơn 5.000 m2.
Người đàn ông nước da cháy nắng rảo quanh bờ ao, thi thoảng nhặt vài con ốc đang bám vào rễ bèo để kiểm tra có bị nhiễm bệnh đường ruột hay không. “Nếu ốc bệnh phải xử lý ngay, không để ảnh hưởng đến các con khác”, anh giải thích.
Chỉ tay vào ao đầy bèo tấm, anh cho biết đã thả 180.000 con giống, mỗi ngày thả 50 kg thức ăn là rau, củ quả. Sau hơn 3 tháng, ốc trưởng thành và xuất bán. Nếu ốc ở các ao khác khan hiếm, thương lái sẽ mua trọn ao, sau đó hút cạn nước và bắt ốc. Nếu nguồn cung dồi dào, họ sẽ chọn lúc cho ăn để lựa ốc to mua trước.
Anh Dũng tốt nghiệp Trường Trung cấp Y – Dược (nay là Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng), sau đó làm điều dưỡng ở Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng. Vốn là con nhà nông, anh thắc mắc ốc bươu vàng, loài ngoại lai xâm hại ngày một nhiều, nhưng ốc bươu đen, loài ốc đồng phổ biến ở Việt Nam cho thịt ngọt, giòn đang ít dần. “Tại sao không nuôi ốc bươu đen”, anh tự đặt câu hỏi và tìm hiểu.
Năm 2019, anh Dũng chọn một ngã rẽ khác – thôi việc ngành y để về quê nuôi ốc bươu đen. “Tôi thấy nghề điều dưỡng chịu nhiều áp lực, thu nhập lại không cao, nên quyết định về quê nuôi ốc để có nhiều thời gian cho gia đình, góp phần tạo ra nguồn thực phẩm sạch”, anh Dũng giải thích.
Được vợ cũng làm ngành y và bố mẹ ủng hộ, anh Dũng vay vốn, tìm hiểu thêm kỹ thuật từ một số người nuôi ốc bươu ở xã Hòa Tiến và bắt đầu nuôi ốc trong ao lót bạt. Lứa đầu tiên xuất bán, anh lãi vài chục triệu đồng, nhưng sau đó nếm trái đắng vì “mình ham quá, thả ốc mật độ dày nên bị chết hàng loạt”. Sau lần thất bại, anh quyết định nuôi ốc dưới các ao đất thuận tự nhiên.
Anh thuê ba ao, thiết lập hệ sinh thái mới. Phần đáy ao được nạo vét, bổ sung khoáng, rải vôi, phơi trong 5 ngày. Sau đó anh cho nước vào ao rồi xử lý tầng trung bằng việc nuôi rong để giúp lọc nước và thêm nguồn thức ăn cho ốc. Tầng mặt nước anh thả bèo, trồng hoa súng, làm giàn mướp phía trên tạo mái che.
Thức ăn cho ốc là các loại bèo, rau, củ, quả. Mỗi ngày, anh Dũng rảo quanh ba ao nuôi để kiểm tra, thả thức ăn cho đàn ốc. Anh không xây dựng nhà tại ao nuôi cạnh cánh đồng mà lắp camera để giám sát mọi nơi mọi lúc.
Theo anh Dũng, nuôi ốc bươu đen khó nhất là ổn định hệ sinh thái để chúng sinh trưởng, trong đó lo nhất là khi mưa lớn, lượng PH vượt ngưỡng sẽ làm ốc chết. Sau cơn mưa lịch sử tháng 10/2022 tại Đà Nẵng, nước lớn tràn bờ, 2/3 ốc trong ao bò ra ngoài, số còn lại chết dần vì môi trường sống thay đổi đột ngột.
Vớt những vỏ ốc bỏ đi, anh Dũng nuôi lại từ đầu, dần đúc rút kinh nghiệm như: Mật độ nuôi không quá 50-70 con/m2, nguồn nước phải luôn ổn định, không ô nhiễm. Do tận dụng nguồn nước từ kênh, mương thủy lợi chảy từ hồ Đồng Xanh, Đồng Nghệ về nên anh phải canh không cho nước vào hồ khi nông dân phun thuốc trừ sâu cho lúa.
10 tháng qua, các ao nuôi của anh Dũng ổn định, bình quân 3 tháng xuất bán hàng chục tấn ốc, với giá 80.000-90.000 đồng/kg, doanh thu cả tỷ đồng. Anh còn bán trứng và ốc giống cho các ao nuôi khác. Khoản tiền sinh lời, anh lại quay vòng đầu tư vào các ao nuôi, dự định mở rộng quy mô lên một ha.
“Tôi đang ấp ủ làm sản phẩm từ ốc như chả ốc, ốc gác bếp, bán sẽ có giá trị cao, mang lại thu nhập ổn định”, anh Dũng nói. Công việc nuôi ốc dù thường xuyên phải ở ngoài nắng, tay chân lấm lem, nhưng đổi lại anh không phải chịu nhiều áp lực so với thời làm điều dưỡng viên và có thêm thời gian chăm sóc bốn đứa con mỗi khi vợ phải trực đêm bệnh viện.
Cùng với anh Dũng, mô hình nuôi ốc bươu đen đang phát triển ở huyện Hòa Vang với các trại nuôi ở xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương, cung cấp thêm nguồn thực phẩm cho các quán ăn, nhà hàng ở thành phố du lịch.