Trong khi EU muốn bảo vệ quyền bá chủ của mình ở Balkan, hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, khối lại không muốn “nhập khẩu” các vấn đề như xung đột lãnh thổ, đói nghèo… đang hoành hành ở khu vực Trung Âu.
Thủ tướng Đức phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan ở Berlin, Đức, ngày 14/10. (Nguồn: PA/DPA) |
Một nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Tây Balkan đã chờ đợi để gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong khi sử dụng khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Trung Âu (CEFTA) để giao thương với nhau. Các nền kinh tế hy vọng hiệp định sẽ giúp họ dễ dàng gia nhập EU hơn, nhưng CEFTA có “cuộc sống” riêng của nó.
CEFTA đôi khi bị coi là “phòng chờ” của EU, hoặc thậm chí là “một bộ bánh xe tập” mà liên minh 27 quốc gia cung cấp cho các thành viên đầy tham vọng để “học nghệ thuật thương mại tự do” trước khi tham gia thị trường tự do khổng lồ của khối.
Và trong phần lớn thời gian qua, CEFTA đã hoạt động như một bước đệm để hướng tới EU. Thỏa thuận thương mại tự do này, có các quy tắc dựa trên luật pháp EU, lần đầu tiên được ký kết bởi các nước Cộng hòa Czech, Ba Lan, Slovakia và Hungary vào năm 1992.
Với sự hậu thuẫn của EU, nhóm đã kết nạp thêm Slovenia, Bulgaria, Romania và Croatia. Tất cả các quốc gia này sau đó đã rời khỏi CEFTA để trở thành thành viên chính thức của EU.
Lần mở rộng lớn gần nhất của CEFTA là vào năm 2006, khi Serbia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina, Albania, Bắc Macedonia, Moldova và Kosovo gia nhập. Hiện CEFTA cũng chỉ bao gồm 7 nền kinh tế thành viên ở Tây Balkan này với tổng dân số gần 20 triệu người.
EU – trọng tài của CEFTA
EU vẫn tham gia CEFTA với tư cách là đối tác, bên hòa giải và lực lượng ổn định. Những nỗ lực của liên minh đã được chứng minh là rất quan trọng trong việc xoa dịu các cuộc xung đột liên tục giữa Serbia và Kosovo – mà Serbia coi là một vùng lãnh thổ ly khai.
Gần đây, EU đã thúc đẩy Kosovo dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với hàng hóa của Serbia và gây sức ép buộc Belgrade cho phép chính quyền Kosovo cử đại diện tham gia các cuộc họp CEFTA, thay vì giao tiếp thông qua phái bộ Liên hợp quốc tại Pristina.
EU có ảnh hưởng lớn thông qua hoạt động thương mại với các thành viên CEFTA, cũng như viện trợ và đầu tư. Một yếu tố khác là khối nhỏ hơn này vẫn chưa đàm phán được cơ chế giải quyết tranh chấp của riêng mình và do đó, phải dựa vào EU như một trọng tài.
Ông Ardian Hackaj thuộc Viện Hợp tác và phát triển có trụ sở ở Tirana (Albani) nói: “CEFTA là một thể chế dựa trên hiệp ước khiến việc giải quyết các vấn đề như vậy trở nên khá khó khăn vì chúng ở cấp độ chính trị, nhiều hơn là cấp độ kỹ thuật hoặc thương mại”.
Chuyên gia Hackaj đồng thời là điều phối viên của Hội nghị Tirana về Tiến trình Berlin. Hội nghị này hoạt động với mục đích đưa các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Balkan còn lại vào EU.
Hôm 14/10, người đứng đầu chính quyền 6 trong 7 thành viên CEFTA đã đến Berlin để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tây Bakan với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, thảo luận về kế hoạch hành động cụ thể để biến “giấc mơ lớn” – gia nhập EU – thành hiện thực.
Gia nhập EU hay không?
Về mặt chính thức, EU vẫn để ngỏ cánh cửa cho các quốc gia Tây Balkan còn lại và Moldova gia nhập liên minh sau khi đáp ứng các điều kiện. Hôm 14/10 vừa qua, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh rằng, EU “sẽ chỉ hoàn thiện khi Tây Balkan là một phần của liên minh”.
Trong khi đó, bà Von der Leyen cho biết, những năm gần đây, EU đã đạt được động lực mới trong việc mở rộng. Bà nói: “Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã mang lại sự sáng tỏ”, ngụ ý rằng các bên cần phải lựa chọn đứng về phía nào.
Tuy nhiên, đằng sau những bức ảnh nhóm và các tuyên bố “hào nhoáng” trên báo chí, có cảm giác rằng, các kế hoạch mở rộng EU thực tế không đi đến đâu cả.
Quốc gia mới nhất gia nhập EU là Croatia vào năm 2013 – cựu thành viên CEFTA. Và trong khi khối mong muốn bảo vệ quyền bá chủ của mình ở Balkan và hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà lãnh đạo châu Âu lại không muốn “nhập khẩu” các vấn đề như xung đột lãnh thổ, đói nghèo… đang hoành hành ở các thành viên CEFTA còn lại.
Về phần mình, các quốc gia như Serbia và Albania đã trở nên thoải mái khi trở thành “con cá lớn” trong ao CEFTA nhỏ bé, thay vì bị bỏ mặc chìm hoặc tự bơi trong thị trường tự do của EU với 450 triệu người.
Ngoài ra, các chính phủ ở khu vực Balkan không muốn xa lánh Trung Quốc, quốc gia đã mang đến nguồn tiền mới, công khai thách thức EU, đặc biệt là khi liên minh đang phải vật lộn để ứng phó với những biến động toàn cầu và thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ.
Cờ EU tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. (Nguồn: Reuters) |
Tiền Trung Quốc thúc đẩy thặng dư của Serbia
Serbia là bên hưởng lợi lớn nhất từ khuôn khổ CEFTA. Mặc dù vùng lãnh thổ Kosovo ngừng nhập khẩu từ Serbia, Belgrade vẫn báo cáo thặng dư thương mại với CEFTA ở mức 2,71 tỷ USD (2,48 tỷ Euro) vào năm 2023. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phần lớn kim ngạch xuất khẩu lại đến từ các công ty do Trung Quốc sở hữu có trụ sở tại Serbia.
Albania cũng báo cáo thặng dư thương mại với CEFTA khoảng 242 triệu USD vào năm ngoái. Ngược lại, Kosovo ghi nhận thâm hụt 583 triệu Euro.
Mặc dù triển vọng kinh tế có vẻ ảm đạm ở Pristina, nhưng việc Belgrade nhượng bộ khi đồng ý để Kosovo được cử đại diện của riêng mình tại các cuộc họp CEFTA là một bước đi chính trị lớn đối với Kosovo.
“Đây là một bước đi hợp lý… Điều này cũng rất quan trọng vì nó chứng minh rằng những thay đổi tưởng chừng như không thể trong khu vực có thể được thực hiện miễn là có ý chí chính trị và cam kết rõ ràng từ EU và các đối tác Balkan”, ông Hackaj nhận định.
Serbia, hiện đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của CEFTA, vẫn giữ nguyên một quan điểm: trong thông báo chính thức, tên của Kosovo sẽ được đi kèm một dấu sao, để chỉ ra rằng việc sử dụng tên này trong diễn đàn không liên quan đến lập trường của Serbia về nền độc lập của Kosovo.
Chi tiết này có thể được coi là lời cảnh báo cho EU – liên minh lớn mạnh và đến giờ vẫn chưa thể xóa bỏ những thành kiến với Balkan. Để kết nạp các nền kinh tế này, khối 27 quốc gia thành viên cần một tầm nhìn vượt ra ngoài tiền bạc và vượt qua các liên minh Balkan cũ và mới do các đối thủ địa chính trị của mình đưa ra.
Nguồn: https://baoquocte.vn/khoi-cefta-phong-cho-cho-cac-nuoc-tay-balkan-hien-thuc-hoa-tham-vong-gia-nhap-eu-vai-tro-khong-phai-dang-vua-cua-trung-quoc-290313.html