Cùng với đà phát triển kinh tế – xã hội, phong trào thể dục, thể thao (TDTT) của Hàm Thuận Nam có bước phát triển khá, cả ở quy mô, hình thức, bề rộng lẫn chiều sâu…
Sau giờ làm việc tại vườn thanh long, nhiều nông dân xã Hàm Mỹ lại tranh thủ ra nhà văn hóa thôn chơi những trận bóng. Anh Nguyễn Tấn Minh, 1 nông dân tại xã Hàm Mỹ cho biết: “Trừ những ngày mưa quá to không thể ra sân, còn chiều nào chúng tôi cũng tập trung để luyện tập. Người biết chơi dạy cho người chưa biết, cùng nhau học hỏi, nâng cao sức khỏe. Đồng thời qua những buổi chơi thể thao, gặp gỡ, chúng tôi trao đổi qua lại cách trồng trọt, phát triển kinh tế, thông tin câu chuyện gia đình, xã hội. Mọi nhọc nhằn trong cuộc sống thường nhật dường như được bỏ lại, chỉ còn tiếng reo hò, cổ vũ…”.
Nghỉ giải lao sau giờ tập, các bà, các chị cũng ở xã Hàm Mỹ vui vẻ góp chuyện: “Trước ở vùng nông thôn không có khái niệm TDTT đâu và rất ngại tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Hàng ngày, sau khi làm xong việc đồng áng, bà con trở về dọn dẹp nhà cửa, ăn cơm tối, xem ti vi và lên giường ngủ sớm. Nhưng kể từ những đợt trúng giá thanh long, rồi Khu công nghiệp Hàm Kiệm I, II mở ra khiến tư duy, thái độ làm việc, chất lượng cuộc sống của bà con thực sự đổi thay. Họ chú ý nhiều hơn đến sức khỏe và đời sống tinh thần”.
Phong trào TDTT phát triển rộng khắp một cách tự nhiên như vậy ở Hàm Thuận Nam từ khoảng 10 năm nay, khi xây dựng nông thôn mới lan rộng. Từ việc thành lập các đội, câu lạc bộ, người dân chủ động đóng góp kinh phí hoạt động cho đến xã hội hóa xây dựng, nâng cấp thiết chế văn hóa thể thao. Nhờ thế, người dân có thể lựa chọn những môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, thể lực và đặc thù công việc của mình, từ bóng chuyền, cầu lông, võ thuật, thể dục dưỡng sinh, đi xe đạp, đi bộ… Tại 100% trường học, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư đảm bảo hoạt động giáo dục thể chất.
Để tạo điều kiện cho phong trào phát triển và khuyến khích thanh, thiếu niên, người dân tham gia rèn luyện, UBND huyện tổ chức các giải thể thao phong trào như Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; giải bóng chuyền nam, nữ; giải cầu lông công nhân, viên chức, lao động; hội thi leo núi Tà Cú; giải đua xe đạp vòng quanh Tà Cú… Đồng thời vận động các địa phương, cơ quan thi đấu, giao lưu TDTT. Dù vậy, cũng dễ hiểu khi tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX năm 2022, đoàn thể thao huyện Hàm Thuận Nam vươn lên vị trí thứ 3 toàn đoàn, sau TP. Phan Thiết và huyện Tánh Linh, vượt 4 bậc so kỳ đại hội trước. Đây là kỳ đại hội đáng nhớ, với trọn vẹn 15 huy chương vàng, 15 huy chương bạc và 23 huy chương đồng.
Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục đưa phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng trong nhân dân, huyện Hàm Thuận Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng vận động viên có năng khiếu; tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất tập luyện TDTT từ cấp cơ sở. Cùng với đó, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển TDTT, củng cố hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao…
Đến nay, toàn huyện có 4 sân vận động, 17 sân bóng đá mini, 20 sân bóng chuyền, 1 khu liên hợp thể thao Sơn Trà và hàng chục sân bóng đá mi ni, phòng tập gym, yoga.