Hạn hán khiến cả người và cây trồng đều khát
Trời Điện Biên vào những ngày này nóng như đổ lửa. Từng đợt gió Lào khô nóng thổi ràn rạt qua cánh đồng Mường Thanh. Nắng nóng cộng với tình trạng khô hạn khiến việc sản xuất bị đình trệ. Bà con nông dân sống ở các bản cao càng gặp nhiều khó khăn hơn. Nước cho sản xuất không có, ngay cả nước sinh hoạt hàng ngày cũng thiếu trầm trọng.
Giữa trưa trời càng nắng gắt, những ngôi nhà của bà con người Thái ở bản Khá, phường Nam Thanh như tàn tạ hơn. Bóng cây thưa thớt, gió nóng thổi qua bản khiến cây cối héo hon. Gặp ông Cà Văn Thiện, Trưởng bản Khá vừa đi nương về, ông buông cái xô trên xe máy xuống rồi thở dài: “Chưa năm nào hạn hán khốc liệt như năm nay. Nước trên nguồn đã hết sạch. Nước cho sinh hoạt của bà con cũng không có. Từ đầu năm, nhiều nhà đã đào giếng, nhưng cũng không có nước”.
Ngày trước các cụ người Thái chọn nơi định cư bao giờ cũng phải gắn với nguồn nước dồi dào. Bản Khá cũng không ngoại lệ. Ngày trước nước suối, nước khe, quanh năm tuôn chảy. Vậy mà năm nay, ngay từ đầu năm, nước dẫn từ rừng về không còn. Các khe nước chảy từ trên núi về cánh đồng Mường Thanh cũng trơ đáy. Ông Cà Văn Thịện không giấu được nỗi lo: “30 hộ dân sống ở gần núi thiếu nước sinh hoạt thường xuyên. Ở bản đã có nước máy, nhưng chỉ những hộ ở dưới thấp mới có nước dùng, còn những hộ ở trên cao chưa kịp hứng nước đã hết”.
Chưa bao giờ bà con người Thái sống ở bản Khá lại rơi vào tình trạng sống chật vật vì thiếu nước như những ngày này. Họ tìm đủ mọi cách như khoan, đào giếng khơi, mong có nước để dùng, nhưng cũng không đủ. Gia đình ông Thiện đã kì công đào giếng khơi sâu mấy chục mét mà cũng chẳng có được giọt nước nào. Ngày ngày các thành viên phải đi nhà khác để giặt quần áo và tắm rửa nhờ. Nước ăn cũng phải đi xin của những hộ ở đầu nguồn về dùng.
Không riêng gì bản Khá, các bản khác cũng có nhiều hộ bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ông Lường Văn Toản, Chủ tịch UBND phường Nam Thanh cho biết: “Từ đầu năm đến giờ, trời rất ít mưa. Trong khi đó việc sản xuất nông nghiệp ở đây phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên là chính. Xã cũng nhận được đơn đề nghị cấp nước sinh hoạt của bà con, nhưng chưa biết tìm cách nào để giải quyết cho ổn thỏa”.
Suối cạn trơ đáy, ruộng khô nứt nẻ
Hiện bà con người Thái sống ở đây đang lo lắng. Ngày ngày họ phải chạy đôn chạy đáo lo nước ăn. Trong khi đó, những chân ruộng ở cạnh bản năm nay cũng cạn khô. Dẫn tôi đi thăm khu ruộng Tăng Sản của bản Khá, ông Cà Văn Thiện, dân bản Khá càng thêm rầu lòng: “Mọi năm khu ruộng này bà con có thể canh tác được hai vụ. Riêng năm nay, do thiếu nước nên ruộng khô trắng, đến nay vẫn chưa thể trồng cấy được”.
Ngày trước mỗi khi vào bản Thái, ai cũng cảm nhận được vẻ yên bình và tràn đầy sức sống. Những chân ruộng cao, ruộng thấp nước chảy ăm ắp. Cọn nước suối quay đều như tô điểm thêm vẻ trù phù. Hình ảnh đó giờ chỉ còn lại trong trí nhớ của người nông dân. Từng ô ruộng nơi đây giờ khô trắng, nứt nẻ. Nhiều gia đình vì tiếc công, tiếc của, đầu mùa cố tát vét những giọt nước cuối cùng để trồng cấy. Nhưng từ đầu năm đến giờ, do thiếu nước bổ sung, lúa không lên được. Sau 3 tháng gieo trồng cây lúa cao bằng gang tay. Nhiều chân ruộng lúa đã bị cháy xém, ngả màu vàng úa.
Không riêng gì bà con phường Nam Thanh, nhiều hộ nông dân khác sống quanh cánh đồng Mường Thanh đang sống trong cảnh vô cùng cực nhọc. Hạn hán diễn ra trên diện rộng đẩy người nông dân rơi vào cảnh thiếu thốn trăm đường. Hầu hết các gia đình người Thái nơi đây có rất ít ruộng. Bao năm họ cày cuốc để mong có đủ cái ăn cho că năm. Năm nay, vụ xuân hè coi như bỏ vì không có nước để sản xuất.
Theo thống kê của tỉnh Điện Biên, hiện cả tỉnh có hàng nghìn héc – ta lúa, rau màu đang trong tình trạng thiếu nước; trong đó có 363ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, tại các huyện: Mường Nhé gần 20ha, Mường Ảng gần 20ha, Nậm Pồ gần 12ha, TX. Mường Lay 25ha…