Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy lợi ích của ăn chay với sức khỏe. Chỉ cần cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, chế độ ăn chay sẽ giúp kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa bệnh tim và nhiều bệnh mạn tính khác, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Nhưng trên thực tế, có những người rất thích ăn chay và không thích ăn thịt. Một nghiên cứu mới đây của Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) đã đưa ra một lời giải thích mới cho điều này.
Nghiên cứu do tiến sĩ Nabeel Yaseen dẫn đầu. Ông và các cộng sự đã phân tích dữ liệu của hơn 5.300 người ăn chay và gần 329.500 người ăn thịt. Các dữ liệu lấy từ cơ sở dữ liệu y sinh và tài nguyên nghiên cứu y học Biobank của Vương quốc Anh. Người ăn chay được xem là người không ăn cá, thịt gia cầm hoặc các loại thịt đỏ như heo, bò, dê.
Khi so sánh yếu tố di truyền, nhóm nghiên cứu phát hiện 3 gien tác động rõ ràng đến sở thích ăn chay của một người và 31 gien có khả năng cao cũng mang đến tác động tương tự. Nhóm nghiên cứu gọi những gien này là “gien ăn chay”.
Những người thích ăn chay có khả năng cao sở hữu các gien này hơn so với những người ăn thịt, đặc biệt là 4 biến thể gien gồm TMEM241, RIOK3, NPC1 và RMC1. Nhiều người thích ăn thịt không sở hữu các biến thể gien trên.
Giải thích cho hiện tượng này, nhóm nghiên cứu cho rằng có thể các gien đã tác động đến cách mà cơ thể phân hủy chất béo, tức chuyển hóa lipid. Để phân hủy thức ăn thực vật hay thịt động vật đều sẽ cần những enzyme khác nhau. Các enzyme do gien quy định.
Do đó, những người sở hữu gien ăn chay sẽ có các enzyme có khả năng phân hủy thực vật tốt hơn so với thịt động vật và ngược lại. Vì vậy, giả thuyết cho rằng sở thích ăn uống sẽ phụ thuộc vào việc cơ thể phân hủy tốt loại chất béo nào hơn.
Các nhà khoa học tin rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ hiện tượng này. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy ngoài yếu tố văn hóa, đạo đức, môi trường hay sức khỏe thì yếu tố di truyền cũng tác động đến chế độ ăn uống của một người, theo Healthline.