Ngày 20/10, tại Đắk Lắk, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên. Tại Hội nghị, bà Trần Thị Lan Anh đại diện cho Công ty Xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp Gia Lai đã chia sẻ những khó khăn trong tiếp cận vốn mà doanh nghiệp gặp phải. Kết quả là do thiếu vốn nên doanh nghiệp bị ép giá.
Thiếu vốn, doanh nghiệp than bị ép giá
Theo bà Trần Thị Lan Anh, cà phê là một trong 5 ngành mũi nhọn của ngành Nông nghiệp Việt Nam, chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp. Ngành cà phê đóng góp trên dưới 30% GDP của các tỉnh Tây Nguyên, là nguồn sinh kế quan trọng của người dân khu vực này.
Năm 2022 có hơn 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê. Theo thống kê niên vụ 2022 -2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn cà phê với kim ngạch trên 4,2 tỷ USD.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho những hộ nông dân ở vùng sâu vùng xa trên địa bàn Tây Nguyên.
Các doanh nghiệp tư nhân hiện đang phải hỗ trợ cho các hộ nông dân, hợp tác xã, … sản xuất cà phê trên địa bàn để họ có điều kiện phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Đây là một hình thức hỗ trợ rất hiệu quả và thiết thực cho bà con nông dân, mà chỉ các doanh nghiệp tư nhân mới áp dụng và triển khai mô hình này.
“Tuy nhiên, hiện nay khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề tiếp cận vốn vay của các ngân hàng. Các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn đảm bảo thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn”, Bà Trần Thị Lan Anh chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi thiếu vốn.
Vì vậy, theo bà Trần Thị Lan Anh, doanh nghiệp cần đảm bảo nguồn vốn để thu mua cà phê cho người nông dân để sản xuất và xuất khẩu cà phê ngay từ đầu niên vụ, điều tiết hoạt động kinh doanh cũng như hỗ trợ tốt cho người nông dân phát triển cà phê theo hướng bền vững.
Doanh nghiệp mong muốn đa dạng hình thức thế chấp
Theo bà Lan Anh, trong thực tế, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản đang khiến các doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao.
“Doanh nghiệp chúng tôi đã có hơn 25 năm hoạt động sản xuất kinh doanh nghành cà phê. Hơn 25 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu hết mình, doanh nghiệp đã có vị trí xuất khẩu hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp xây dựng gắn kết vùng nguyên liệu, tạo chuỗi liên kết với Hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân. 25 năm qua, trong quan hệ tín dụng ngân hàng, chúng tôi luôn làm tốt vai trò và trách nhiệm trong việc vay vốn tín dụng. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn không thấy sự thay đổi của điều kiện chính sách sản phẩm cấp tín dụng, vẫn chỉ duy nhất một phương án có tài sản đảm bảo là bất động sản bổ sung thì tăng hạn mức. Thực sự là không phù hợp với một doanh nghiệp hoạt động vay vốn sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Doanh nghiệp chúng tôi không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài bởi hình thức cho vay này”, bà Lan Anh tâm sự.
Chính vì vậy, đại diện cho Công ty TNHH cà phê Vĩnh Hiệp Gia Lai đề nghị ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê.
Doanh nghiệp mong muốn ngành ngân hàng cung cấp một gói tín dụng đặc thù riêng cho ngành cà phê, cho các doanh nghiệp đầu ngành và có tính bền vững về lãi suất, về room tín dụng, về chính sách tài sản đảm bảo (hàng hóa), để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Đồng thời, doanh nghiệp đề nghị ngành ngân hàng xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm: Hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá, để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về vốn,…