Du khách không có kế hoạch sớm khó tìm được phòng như mong đợi nếu muốn du lịch Cô Tô (Quảng Ninh) hay Cát Bà (Hải Phòng) dịp cuối tuần.
Hoàng Anh, du khách Hà Nội, ngày 29/6 đăng bài vào ba nhóm chia sẻ kinh nghiệm du lịch Cô Tô để tìm phòng với tiêu chí “chất lượng tốt, gần biển, đảm bảo hai giường đôi”. Sau nửa ngày, cô vẫn chưa tìm được người nào nhận yêu cầu nên đã tính đến việc “có phòng nào, dùng phòng ấy”.
“Tôi không nghĩ tìm phòng với yêu cầu đơn giản lại khó khăn đến thế”, cô nói.
Khuất Văn Quỳnh, chủ một homestay ở Cô Tô, cho biết thường xuyên phải “mắc võng ngủ ngoài sân” suốt tháng 6 do quá đông khách. Cơ sở của anh Quỳnh thực tế chỉ có 10 phòng cho thuê và một phòng đơn để vợ chồng cùng con nhỏ ngủ. Tuy nhiên, do phòng đơn không quá rộng nên nếu kín phòng, anh phải ngủ bên ngoài.
Tính tới 20/7, cơ sở của anh đã không còn phòng trống. Chủ cơ sở này nói đây là tình trạng chung của nhiều nhà nghỉ, homestay trên đảo. Khách có nhu cầu đi du lịch vào cuối tháng 7 hiện tìm phòng cũng khá khó khăn.
Vũ Thanh Minh, chủ một homestay khác với 10 phòng nghỉ ở Hồng Vàn (Cô Tô), cho biết công suất phòng luôn ở mức 90-95% trong tháng 6. Các cuối tuần tháng 7 và tháng 8, cơ sở này cũng đã bán gần hết phòng. Số lượng phòng trong tuần cũng còn tương đối ít. Theo anh Minh, du khách cần đặt trước ít nhất một, hai tuần nếu muốn chọn các cơ sở lưu trú uy tín trên đảo.
Dữ liệu từ Mustgo, công ty chuyên cung cấp phòng cho các đại lý du lịch, cho thấy các cơ sở lưu trú tại Cô Tô chủ yếu là khách sạn 1-3 sao, nhà nghỉ hoặc homestay với quỹ phòng hạn chế. Giá phòng trong dịp cao điểm hè không tăng mạnh, khoảng 500.000 đồng tới một triệu đồng mỗi đêm.
Giai đoạn cao điểm tháng 6-8, công suất phòng trong tuần đạt khoảng 60-80%, cuối tuần công suất hầu như trên 90%. Năm ngoái, công suất phòng dao động 50-70%, cuối tuần vẫn còn phòng trống. Các đối tác của Mustgo cho biết lượng khách năm nay nhiều hơn 2-3 lần cùng kỳ năm trước.
Tại Cát Bà, tình hình tìm phòng nghỉ cũng không khả quan hơn Cô Tô. Đại diện một công ty lữ hành chuyên bán combo du lịch cho biết gần như không thể tìm phòng theo yêu cầu của khách hàng nếu đặt cuối tuần.
“Bây giờ, cứ còn phòng là phải chốt luôn. Nếu để lâu, kế hoạch du lịch của khách có thể bị ảnh hưởng”, người này cho biết.
Đại diện truyền thông của một resort ở Cát Bà cho biết họ có 1.001 phòng thực tế nhưng chỉ mở bán 878 phòng. Từ đầu tháng 6, công suất phòng vào các ngày cao điểm (thứ bảy, chủ nhật, thứ hai) đạt khoảng 90% với 1.800 khách mỗi ngày. Các ngày trong tuần, công suất dao động 70-80%.
Phần lớn khách ở resort này là các đoàn lớn (47%), số còn lại là khách lẻ, nhóm gia đình. So với tháng 6/2022, tổng số phòng có khách đang ở (OCC) hiện tăng gần 13%. Số lượng khách trong tháng 6 cũng cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 6%. Giá phòng nhỉnh hơn khoảng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận của VnExpress, đa số cơ sở lưu trú tại Cát Bà đều tăng giá mạnh so với thời điểm trước hè. Một số khách sạn tăng hơn 600.000 đồng mỗi phòng so với giai đoạn trước.
Thống kê từ Mustgo cũng chỉ ra chênh lệch giá phòng trong tuần và cuối tuần ở Cát Bà là khoảng 30-50%. Hiện giá phòng trung bình ở đây vào khoảng 500.000 đồng đến ba triệu đồng.
Đại diện Mustgo cho biết cao điểm du lịch Cát Bà kéo dài từ tháng 5 tới hết tháng 9. Tỷ lệ phòng có khách trong tuần đạt 80-90% còn cuối tuần lên đến 100%.
“Lượng khách đến Cát Bà hè năm nay sẽ còn tiếp tục tăng và tình trạng kín phòng có thể kéo dài đến hết tháng 9. Năm 2022, tình trạng kín phòng chỉ kéo dài tới hết tháng 8”, đại diện công ty nói.
Tú Nguyễn