Nhà giáo Nguyễn Thành Công, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định các môn đều có sự đổi mới theo chiều hướng phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH.
Đề thi
khó hơn nên có sự phân hoá cao hơn, là căn cứ tốt để các trường xét tuyển.
Theo ông Công, thí sinh
thi tốt nghiệp
THPT 2025 được học chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm lớp 10, đã được làm quen với định dạng đề mới, giờ được làm quen với dạng thức đặt câu hỏi mới nên cũng không có nhiều bỡ ngỡ.
“Các em nhận định đề khó hơn. Nhưng cá nhân tôi thấy đề khó hơn thì vùng phân hoá mới rộng hơn, các ĐH mới lựa chọn đúng đối tượng thí sinh. Còn để tốt nghiệp thì Bộ GD&ĐT sẽ cho một công cụ vĩ mô để đảm bảo không ảnh hưởng đến tỉ lệ tốt nghiệp”, ông Công nói.
Đề thi phân hóa mạnh
Một giáo viên dạy Toán bậc THPT tại Hà Nội khẳng định, đề tham khảo môn Toán hay, nhưng vị này băn khoăn đề thi này có vênh với những mục đích, mục tiêu mà Bộ đặt ra trước đó. Khi đổi tên gọi từ kì thi THPT quốc gia 2 trong 1 thành kì thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đã xác định yêu cầu bảo đảm kết quả chính xác, khách quan, tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng
giáo dục phổ thông
và là một trong các căn cứ xét tuyển sinh ĐH, cao đẳng.
Nếu soi vào mục tiêu này, từ đề tham khảo, có thể khẳng định phổ điểm môn Toán năm 2025 sẽ giảm vì đề thi phân hóa mạnh. Vậy mục tiêu chính của Bộ GD&ĐT tổ chức kì thi năm 2025 là xét tốt nghiệp hay tuyển sinh ĐH?
Một điểm nữa mà vị giáo viên này băn khoăn là học sinh lớp 12 sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong
xét tuyển
ĐH và thi tốt nghiệp năm 2025. Vì mẫu đề tham khảo của Bộ GD&ĐT không giống với những yêu cầu của đề thi đánh giá tư duy (của ĐH Bách khoa Hà Nội), đề thi đánh giá năng lực mà các cơ sở giáo dục ĐH đang tổ chức.
Muốn đạt kết quả thi tốt nghiệp tốt, xét tuyển vào những trường ĐH như mong muốn, thí sinh sẽ phải bơi giữa rất nhiều yêu cầu. Như vậy sẽ khiến học sinh quá tải.
“Trước bất cứ một thay đổi hay điều chỉnh nào, Bộ GD&ĐT phải trả lời được câu hỏi thí sinh được lợi gì. Với đề thi tham khảo này, học sinh sẽ khó đạt được điểm cao nếu chỉ học ở trên lớp đối với môn Toán như hiện nay”, vị giáo viên này nhận định.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM, cho biết, câu hỏi trong phần 2 và đặc biệt là 3 trong đề tham khảo môn Toán có tác dụng phân loại học sinh và dành cho tuyển sinh ĐH năm 2025. Nếu học sinh học tập thật kỹ và hiểu bài thì mới làm đề thi tốt nghiệp THPT này được tốt. Nếu không thì chỉ đạt 5-6 điểm.
Một kì thi khó giải quyết 2 mục tiêu
Từ năm 2015 khi Bộ GD&ĐT quyết định bỏ kì thi 3 chung, chỉ còn kì thi THPT quốc gia, các chuyên gia đã cảnh báo những khó khăn về một cuộc “hôn nhân” biết trước có nhiều mâu thuẫn. Kì thi tốt nghiệp là để đánh giá mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông, cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh nếu đạt yêu cầu.
Kì thi tuyển sinh là để xét tuyển những người đủ năng lực vào học ĐH nên xét theo độ dốc. Chính vì sự mâu thuẫn này nên đề thi nếu đáp ứng mục tiêu tốt nghiệp thì mưa điểm 10, nếu đáp ứng mục tiêu xét tuyển ĐH thì điểm 10 như “lá mùa thu” và cuối cùng không bài toán nào giải quyết được triệt để.
Trước sự phập phù của phổ điểm, cùng với quyền tự chủ, nhiều trường ĐH đã tổ chức kì thi riêng để tuyển sinh. Các kì thi riêng, phương thức xét tuyển không phụ thuộc vào kì thi tốt nghiệp THPT đã tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH, giảm tải kì thi tốt nghiệp THPT. Nhưng ngay sau đó cũng bộc lộ bất cập là thí sinh quá tải các kì thi, không công bằng đối với thí sinh vùng khó khăn không thể tham gia các kì thi riêng.
Tại Hội nghị Tuyển sinh ĐH năm 2024, Bộ GD&ĐT thừa nhận những hạn chế này và cho biết sẽ có những điều chỉnh vào năm 2025.
Thời điểm hiện tại, chưa có dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025, các trường, thí sinh không rõ sẽ có những điều chỉnh gì. Nhưng đề tham khảo kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là một thách thức đối với thí sinh lớp 12 khi đề thi có
dạng thức
thi mới mức độ khó hơn.
Hàng loạt trường ĐH thông báo điều chỉnh kì thi riêng như 2 ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội. Thêm một số trường tổ chức kì thi riêng để tuyển sinh như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một số trường lựa chọn tổ chức kì thi đánh giá trên máy tính
V-SAT…
Với nhiều kì thi như hiện nay, Bộ GD&ĐT cần có giải pháp khác để đảm bảo công bằng cho các thí sinh tiếp cận cơ hội vào ĐH. Giải pháp của Bộ hiện nay là tăng tải kì thi tốt nghiệp để bắt buộc tất cả học sinh không có nhu cầu dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển ĐH cũng phải thi như thí sinh có nhu cầu.
Dư luận nhiều lần đặt câu hỏi khi nào Bộ GD&ĐT giao kì thi tốt nghiệp về cho các địa phương, nhưng đến nay câu trả lời của Bộ vẫn là vin vào quy định của Luật Giáo dục. Thực tế, nếu cần vẫn có thể đề xuất sửa luật và Bộ GD&ĐT đang thực hiện công việc này, nhưng tuyệt đối không nhắc đến chuyện giao kì thi về cho địa phương.
Nguồn: https://danviet.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-kho-hon-tao-dieu-kien-cho-xet-tuyen-dh-20241021070919293.htm