Ngày 12.4, tại TP.Huế (Thừa Thiên – Huế), Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Gần 450 đại biểu, đại diện ngành giáo dục 63 tỉnh, thành và lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD-ĐT, Bộ Công an… tham gia.
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đã lưu ý các Sở GD-ĐT nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó, công tác chuẩn bị đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, chấm thẩm định… được ông Thưởng đặc biệt lưu ý.
Quy chế thi năm nay được bổ sung điểm mới, những vật thí sinh bị cấm mang vào phòng thi gồm: giấy than, bút xóa; đồ uống có cồn, vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) Bộ Công an cũng đã chỉ ra nhiều thiết bị mà thí sinh thường gian lận trong thi cử. Trong đó, đặc điểm chung là thiết bị này là các tai nghe siêu nhỏ, được kết nối với thiết bị nghe gọi, phát sóng, “ngụy trang” thành nút áo, mắt kính, máy tính…
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc làm lộ đề thi là lộ bí mật nhà nước, có thể quy trách nhiệm hình sự. Vì vậy, công tác này cần được thực hiện kỹ lưỡng, nghiêm ngặt.
Liên quan đến việc này, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng đặt câu hỏi: Để chủ động phát hiện khi thí sinh mang thiết bị công nghệ cao, các điểm thi có được dùng máy đo kim loại để kiểm tra hay không?
Giải đáp vấn đề trên, ông Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh các địa phương cần chủ động thực hiện thí điểm, đồng thời báo cáo kết quả đến Bộ GD-ĐT, qua đó tìm phương án tối ưu, hiệu quả.
Kết luận tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhất là ý kiến xung quanh đến việc ngăn chặn gian lận thi cử, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của cán bộ ngành giáo dục.
Ông Thưởng mong muốn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ tiếp tục phát huy phương châm “dạy thật, học thật, thi thật, có kết quả thật”. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo để các kỳ thi ngày càng hiệu quả, là kết quả tin cậy để các cơ sở đào tạo đại học dựa vào đó tổ chức xét tuyển.