50 nhà khoa học cảnh báo, lượng khí thải nhà kính kỷ lục và ô nhiễm không khí khiến sự ấm lên toàn cầu tăng nhanh chưa từng thấy.
Theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Earth System Science Data của 50 nhà khoa học, giai đoạn 2013 – 2022, sự ấm lên do con người gây ra tăng với tốc độ hơn 0,2 độ C mỗi thập kỷ. Cũng trong giai đoạn này, lượng khí thải trung bình hàng năm đạt mức cao nhất mọi thời đại là 54 tỷ tấn CO2, tương đương khoảng 1.700 tấn mỗi giây, Science Alert hôm 9/6 đưa tin.
Những phát hiện mới có thể sẽ đóng lại cánh cửa cho việc hạn chế sự ấm lên toàn cầu theo mục tiêu 1,5 độ C của Hiệp định Paris năm 2015. “Chúng ta chưa chạm ngưỡng ấm lên 1,5 độ C, nhưng ngân sách carbon – lượng khí nhà kính mà con người có thể thải ra mà không vượt quá ngưỡng này – có thể sẽ cạn kiệt chỉ sau vài năm nữa”, Piers Forster, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư vật lý tại Đại học Leeds, cho biết.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) tính toán, để duy trì mục tiêu nhiệt độ theo Hiệp định Paris, cần giảm ô nhiễm CO2 ít nhất 40% vào năm 2030 và loại bỏ hoàn toàn vào giữa thế kỷ này.
Nhưng theo nghiên cứu mới, một trong những thành công về mặt khí hậu trong thập kỷ qua lại vô tình đẩy nhanh tốc độ ấm lên toàn cầu. Việc giảm sử dụng than – thải nhiều carbon hơn đáng kể so với dầu khí – để sản xuất điện đã làm chậm sự gia tăng khí thải carbon. Nhưng điều này cũng làm giảm sự ô nhiễm không khí giúp che chắn Trái Đất khỏi sức mạnh của các tia Mặt Trời. Ô nhiễm hạt giúp giảm sự ấm lên khoảng 0,5 độ C, đồng nghĩa (ít nhất là trong ngắn hạn) khi không khí sạch hơn, nhiều nhiệt hơn sẽ chạm đến bề mặt Trái Đất.
Dữ liệu mới sẽ là lời cảnh tỉnh trước khi hội nghị COP28 diễn ra cuối năm nay, kể cả khi có bằng chứng cho thấy khí nhà kính đã tăng chậm lại, theo đồng tác giả Valerie Masson-Delmotte, đồng chủ tịch phụ trách báo cáo IPCC năm 2021. “Tốc độ và quy mô của các hành động về khí hậu không đủ để hạn chế sự leo thang của các rủi ro”, bà nói.
Nhóm nghiên cứu cũng báo cáo sự gia tăng nhiệt độ đáng kinh ngạc ở khu vực đất liền kể từ năm 2000. Cụ thể, nhiệt độ cao nhất trung bình hàng năm trong thập kỷ qua tăng hơn 0,5 độ C so với thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ. Nghiên cứu cũng cho thấy, những đợt nắng nóng kéo dài hơn và dữ dội hơn sẽ gây đe dọa nghiêm trọng trong những thập kỷ tới ở nhiều vùng rộng lớn thuộc Nam Á và Đông Nam Á, cũng như nhiều vùng xung quanh xích đạo thuộc châu Phi và Mỹ Latin.
Thu Thảo (Theo Science Alert)