Vào giữa tháng 8/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Ngoại giao đã ký kết Kế hoạch hành động triển khai công tác ngoại giao kinh tế đóng góp thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp giai đoạn 2023-2026. Việc hai ngành nông ngoại giao và nông nghiệp “bắt tay” với nhau để thực hiện công tác ngoại giao kinh tế là một trong những nhân tố quan trọng đằng sau những con số đầy ấn tượng về xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ký kế hoạch hành động. Ảnh Lâm Khánh – TTXVN
Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định muốn đi xa thì phải đi cùng nhau và muốn nông sản Việt đi xa thì phải gắn kết với ngành Ngoại giao.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn ngành Ngoại giao, trong đó đặc biệt là các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục đồng hành với ngành Nông nghiệp vượt qua những thách thức, nắm bắt kịp thời những cơ hội, thông tin thị trường thế giới để không ngừng nâng cao chất lượng, đưa nông sản Việt đến nhiều thị trường hơn nữa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là một kênh tiếp thị nông sản trong nước ra quốc tế mà còn là kênh thông tin tin cậy, hiệu quả trong việc cung cấp kịp thời cho ngành Nông nghiệp những mô hình sản xuất, các thành tựu khoa học công nghệ nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, để từ đó những thay đổi chính sách chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống trong nước sang hiện đại, nâng cao năng lực công nghệ sản xuất, chất lượng nông sản.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao những thành tựu, đóng góp của ngành Nông nghiệp trong thời gian qua đối với phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Bộ trưởng khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung của nền kinh tế; là nền tảng thiết yếu trong bảo đảm an sinh xã hội; thế mạnh hàng đầu trong hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại của Việt Nam.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam đã rất chú trọng, tích cực đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xúc tiến, thúc đẩy mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam; kết nối hợp tác quốc tế và thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; hỗ trợ ngành nông nghiệp hội nhập quốc tế và phát huy, nâng cao vai trò trong các cơ chế hợp tác đa phương.
Trong thời gian tới, từ dự báo bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế hỗ trợ ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, phục vụ mục tiêu duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, góp phần thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các đơn vị của hai bộ tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm nêu tại Kế hoạch hành động, trong đó đặc biệt quan tâm phối hợp chặt chẽ, tham mưu, lồng ghép để đưa nội dung hợp tác kinh tế nói chung và hợp tác nông nghiệp trở thành một trong những trọng tâm trong các tiếp xúc, trao đổi của Lãnh đạo Cấp cao với các đối tác; thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác cụ thể, mang tính đột phá trong các chuyến thăm.
Các đơn vị chức năng hai bộ tăng cường thông tin thị trường, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá với chiến lược bài bản, dài hạn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh tham mưu, thu hút các nguồn lực cả trong hợp tác song phương và đa phương phục vụ quá trình chuyển đổi nông nghiệp, thích ứng với các xu thế, yêu cầu, quy định mới về phát triển xanh, bền vững, nhất là về vốn đầu tư, công nghệ, kinh nghiệm quản trị…
Những con số đầy ấn tượng
Việc hai ngành Nông nghiệp và Ngoại giao “bắt tay” với nhau trong việc thực hiện công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần không nhỏ vào việc “chắp cánh” cho nông sản Việt bay xa. Kết quả là bất chấp các khó khăn kinh tế ở trong và ngoài nước và bất ổn địa-chính trị trên thế giới, xuất khẩu nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì mức tương đương năm ngoái. Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam có một mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 5 tỷ USD.
Thanh Long Việt Nam được bày bán tại siêu thị AEON ở tỉnh Chiba (Nhật Bản). Ảnh: Thanh Tùng/VNS
Trao đổi trên báo chí, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết trong 11 tháng qua, xuất khẩu của toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 47,84 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với những lợi thế của rau quả, lúa gạo, hạt điều… và sự ổn định trở lại trong xuất khẩu lâm sản, thủy sản, dự tính xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 12 sẽ đem về hơn 5 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, ngư nghiệp năm 2023 có thể đạt trên 53 tỷ USD, tiệm cận với con số 53,2 tỷ USD của năm 2022.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã có 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, gồm: cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, điểm sáng lớn nhất là xuất khẩu gạo và rau quả liên tục tăng vọt trong nhiều tháng.
Cụ thể, đối với lúa gạo, trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,75 triệu tấn gạo, giá trị 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với năm ngoái. Đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.
Đối với ngành rau quả, trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,3 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là lần đầu tiên có một mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD. Nếu tháng 12/2023, xuất khẩu rau quả vẫn đạt được kim ngạch 500 triệu USD như tháng 11 thì giá trị xuất khẩu rau quả cả năm sẽ đạt 5,8 tỷ USD.
Như vậy, có thể thấy, với sự bắt tay của hai ngành Nông nghiệp và Ngoại giao, xuất khẩu nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam đã khởi sắc hơn trong các tháng cuối năm. Đây là cơ sở cho ngành Nông nghiệp đề ra những mục tiêu tham vọng hơn cho năm 2024./.
Mai Hương