Tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) tại Bình Thuận hiện nay đang gia tăng. Trong đó, số ca tử vong nghi do bệnh này tại La Gi cao nhất tỉnh. Bởi cộng đồng đang tồn tại nhiều trường hợp người lành mang vi rút gây bệnh TCM.
Bệnh tay chân miệng đang tăng
Tính đến ngày 11/8/2023, toàn tỉnh ghi nhận 826 ca mắc, tăng 52% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, La Gi có số ca mắc cao với 192 ca và có 3 trường hợp tử vong dưới 3 tuổi xảy ra trong 3 tháng liền kề. Cụ thể, tháng 6 ghi nhận 1 ca bé gái, 30 tháng tuổi ở xã Tân Bình; tháng 7 – 1 bé trai 21 tháng tuổi ở xã Tân Tiến; tháng 8 – 1 bé gái 17 tháng tuổi ở phường Bình Tân. Điều này cho thấy bệnh TCM tại La Gi diễn biến phức tạp, gần như “điểm nóng” của tỉnh về số ca tử vong; dự báo sự gia tăng số ca mắc sẽ vượt 200 ca. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận đánh giá tình hình dịch bệnh TCM tại tỉnh hiện nay đang gia tăng.
Thông qua kết quả giám sát dịch tễ các trường hợp bệnh được ghi nhận trên địa bàn La Gi, Sở Y tế nhận định khả năng tại cộng đồng đang tồn tại nhiều trường hợp người lành mang vi rút gây bệnh TCM. Đây là nguồn bệnh chưa được nhận diện và kiểm soát nên nguy cơ lây lan cộng đồng rất cao, đặc biệt là trẻ em, người miễn dịch yếu. Bên cạnh đó, thời gian tới dự báo bệnh TCM tăng trên địa bàn tỉnh theo chu kỳ hàng năm. Kết quả giám sát vi rút tại tỉnh cho thấy tuýp vi rút đang lưu hành gây bệnh là Enterovirus A71. Đây là tuýp vi rút lây lan nhanh, dễ gây bệnh nặng và tử vong. Vì vậy, các cơ quan chức năng liên quan và người dân cùng chung tay thực hiện biện pháp chủ động triển khai các hoạt động tăng cường phòng chống và kiểm soát dịch bệnh này kịp thời.
Đồng bộ các giải pháp
Trước sự gia tăng số ca mắc bệnh TCM tại La Gi, chiều ngày 15/8/2023, Sở Y tế có văn bản đề nghị UBND thị xã La Gi tiếp tục quan tâm, khẩn trương chỉ đạo, triển khai các công việc phòng chống bệnh TCM. Đó là chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội phối hợp cùng Phòng Giáo dục – Đào tạo và Trung tâm Y tế thị xã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh TCM. Tổ chức các hoạt động truyền thông bệnh TCM, các biện pháp phòng chống cho cá nhân, cộng đồng, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục – đào tạo; đa dạng các hình thức truyền thông tới người dân như họp tổ dân phố, phát trên hệ thống loa của các phường, xã; tập huấn, hướng dẫn tại chỗ; tờ rơi… Quan tâm hỗ trợ cấp bổ sung kinh phí phòng, chống dịch TCM để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, test nhanh.
Bác sĩ Lê Văn Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Song hành việc tuyên truyền, khám sàng lọc bệnh TCM cho trẻ dưới 5 tuổi cũng cần phải thực hiện để chủ động phát hiện sớm, hướng dẫn người nhà cách ly điều trị sớm ca bệnh. Từ đó giúp giảm biến chứng nặng và tử vong cho trẻ; khoanh vùng xử lý ổ dịch được kịp thời tránh lây lan rộng ra cộng đồng; tư vấn truyền thông cho cha mẹ của trẻ về phòng chống bệnh này. Ưu tiên triển khai sớm tại các xã gồm Tân Tiến, Tân Bình; phường Bình Tân…
Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo các cơ sở giáo dục – đào tạo có đủ các phương tiện để thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách, thuận tiện. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục – đào tạo, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.