Khiêm Lăng – lăng Tự Đức vốn được vua Tự Đức cho xây dựng khi còn tại vị, với rất nhiều công trình kiến trúc như một hoàng cung thu nhỏ, được bao bọc bởi vòng thành xây bằng đá núi dài khoảng 1,5km…
Nội dung trên Bia Khiêm Cung Ký của vua Tự Đức gồm 5 phần chính
Phần 1: Viết về thời tuổi trẻ của nhà vua. Từ khi còn nhỏ ông đã thể hiện trí thông minh và biết ứng đối thơ phú nên được vua cha rất thương yêu, chiếu cố hơn những người con khác và có ý định truyền ngôi. Tuy nhiên, sức khỏe của nhà vua không được tốt, lại bị bệnh đậu mùa lúc gần tuổi hai mươi.
Phần 2: Bày tỏ tâm tư của nhà vua trước một số biến cố quan trọng của đất nước và triều đình. Lên ngôi từ lúc còn quá trẻ, sức khỏe lại kém sút, đất nước đứng trước nạn xâm lăng, việc nhà vua phải xử tội anh mình cũng là vì phải coi trọng việc nước. Việc để mất Nam Kỳ khiến dân chúng lầm than cũng là tội nhà vua phải gánh chịu. Nhưng trong hoàn cảnh quan lại biếng nhác, không có chí khí, dù nhà vua muốn bảo vệ đất nước cũng chẳng giải quyết gì được. Nỗi lo lắng này đã khiến cho vua càng thêm suy sụp, phải tính chuyện xây dựng lăng tẩm.
Phần 3: Giải thích ý nghĩa của việc lựa chọn vị trí xây dựng, mối liên quan đến các công trình khác ở xung quanh về mặt quan hệ gia đình và về phong thủy. Nhà vua đặt tên cho toàn bộ khu vực này là Khiêm Cung, sau khi vua băng hà sẽ đổi là Khiêm Lăng. Các công trình trong khu vực này đều mang chữ Khiêm. Các quan binh, thợ thuyền tham gia xây dựng lăng đều được trả công xứng đáng.
Phần 4: Thể hiện những nhận định về bản thân và một số quan điểm trong cuộc sống của nhà vua. Vua tự xét mình là người nhút nhát, ít thích giao thiệp, lại là người trọng đạo đức, tin tưởng đạo lý ở trời, lấy lòng thành để đối phó muôn việc, dùng đạo Khiêm để hoàn thành bổn phận.
Phần 5: Là phần kết, khẳng định đây là những nội dung bộc bạch tấm lòng của nhà vua và những suy nghĩ riêng của cá nhân ông, không chú trọng đến giá trị văn chương. Người đời sau nếu đọc không cảm thông được thì chớ lấy làm phiền.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/kham-pha-khu-lang-mo-nhu-hoang-cung-thu-nho-cua-vi-vua-tri-vi-lau-nhat-trieu-nguyen-192241220200236303.htm