Theo PGS-TS Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc – BV Mắt T.Ư, bệnh nhân (BN) vừa được ghép giác mạc là nam, 50 tuổi, ở Hà Nội, là một trong hàng trăm ca đã có 5 – 6 năm đăng ký chờ được ghép giác mạc. BN bị bệnh lý về giác mạc sau chấn thương. Tổn thương giác mạc thường xuyên gây kích thích, khiến BN đau đớn nhiều, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, công việc và cuộc sống.
Nguồn giác mạc để ghép cho BN này được lấy từ người hiến là nam, 40 tuổi, ở Bắc Giang, chất lượng giác mạc tốt.
Sau ghép, mắt của BN ổn định, tiếp tục điều trị chống viêm, nhiễm trùng sau phẫu thuật và sử dụng thuốc nhỏ mắt chống thải ghép. Thị lực sẽ hồi phục dần sau khoảng 1 – 2 tháng. Với BN này, ghép giác mạc đã giải quyết được tình trạng đau nhức mắt do bệnh lý giác mạc gây nên.
PGS-TS Cung Hồng Sơn cho biết ghép giác mạc tại BV Mắt T.Ư được thực hiện từ năm 2007 nhưng đến nay mới có khoảng 3.000 BN có chỉ định được ghép. Trong số này, 50% ca ghép giác mạc từ người hiến tình nguyện ở các tỉnh thành, trong đó nhiều nhất là Ninh Bình và Nam Định. Nhiều BN được ghép giác mạc từ nguồn giác mạc do tổ chức nước ngoài tặng.
Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6 – 8 giờ sau khi người hiến mất. Đến nay, cả nước có 961 người hiến giác mạc. Người hiến nhỏ tuổi nhất là 4 tuổi và lớn tuổi nhất là 107 tuổi.
Tại Ngân hàng Mắt T.Ư hiện có khoảng 1.000 người đăng ký chờ được ghép giác mạc và phần lớn phải chờ đợi 5 – 6 năm mới được ghép do không có nguồn giác mạc hiến.
“Chúng tôi rất mong việc đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời sẽ được lan tỏa rộng trong cộng đồng, để thêm cơ hội đem lại ánh sáng cho hàng ngàn người đang chờ được ghép giác mạc”, TS Sơn bày tỏ.