Tin mới y tế ngày 1/10: Nghĩa cử hiến giác mạc đem lại ánh sáng cho người mù lòa
Sau khi được ghép giác mạc, nữ bệnh nhân 65 tuổi ở Yên Bái đã tìm lại được ánh sáng, chấm dứt hơn 10 năm sống trong cảnh mù lòa.
Cụ bà 74 tuổi hiến giác mạc
Đây là trường hợp ghép giác mạc mới nhất vào ngày 27/9, người hiến là cụ bà 74 tuổi ở Hà Nội, đã đem đến ánh sáng cho 2 người mù.
Ảnh minh họa |
Chiều 30/9, chia sẻ về ca ghép giác mạc vừa được thực hiện tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, PGS-TS.Hoàng Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện cho biết, vào ngày 25/9, bà L.T.H.M (trú tại Hà Đông, Hà Nội) qua đời, con trai bà M. là bác sỹ công tác tại Bệnh viện Quân y 103 đã gọi điện đến Ngân hàng Mô của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 để xin hiến giác mạc của mẹ mình. Ngay lập tức, ê-kíp của Ngân hàng Mô nhanh chóng di chuyển đến tận nơi để lấy giác mạc.
Giác mạc của bà M. đã được Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ghép thành công cho bệnh nhân nữ 65 tuổi (Văn Chấn, Yên Bái) vào ngày 27/9. Giác mạc còn lại đã được điều phối đến Bệnh viện Quân y 103 để ghép cho người bệnh khác.
Chia sẻ thêm về quá trình lấy – ghép giác mạc, PGS-TS.Hoàng Minh Châu cho biết, giác mạc của người hiến sau khi tiếp nhận sẽ được bảo quản trong một dung dịch chuyên dụng, nhằm đảm bảo tính sát khuẩn và giúp nuôi dưỡng giác mạc.
Sau khi rà soát danh sách chờ ghép, một người phụ nữ 65 tuổi ở Yên Bái có các chỉ số phù hợp và được ghép giác mạc ngay sau đó.
Nữ bệnh nhân mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc. Đây là một căn bệnh có tính chất di truyền cao. Hơn 10 năm nay, bệnh nhân không thể nhìn thấy người và vật xung quanh mình. Bà luôn ao ước có đôi mắt sáng để nhìn thấy người thân và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
“Do nguồn giác mạc khan hiếm nên bệnh nhân vẫn phải chờ đợi trong mòn mỏi, việc sinh hoạt vô cùng khó khăn khi phải phụ thuộc vào người khác. Việc ghép giác mạc thành công sẽ mở ra một tương lai tươi sáng cho bệnh nhân”, PGS.Châu nói.
Ca ghép giác mạc diễn ra trong khoảng 45 phút, hiện tại tình trạng người bệnh ổn, kết quả khá khả quan khi có thể nhìn được, có thể tự đi lại được. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, cần phải theo dõi thường xuyên trong một thời gian dài tới đây.
Theo PGS.Châu, trong thời gian theo dõi, người được ghép giác mạc phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định tái khám của bác sỹ, cũng như tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt như không vận động nặng, tránh tác động từ môi trường khói bụi, va đập vào mắt…
PGS.Châu cho biết thêm, Ngân hàng Mô (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) được thành lập từ tháng 2/2024, hiện đã ghép giác mạc cho 42 trường hợp, nhưng đây là ca đầu tiên nhận giác mạc từ trong nước. Nguồn giác mạc còn lại được lấy (nhập khẩu) từ các ngân hàng mô (giác mạc) quốc tế.
Tại Việt Nam, việc lấy – ghép giác mạc được thực hiện từ năm 2007. Đến nay đã có hơn 3.000 người được ghép giác mạc, trong đó có hơn 50% là từ nguồn người hiến tại cộng đồng, tập trung chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định, nhiều nhất là năm 2020, có 169 người được ghép.
Đến nay, hơn 20 tỉnh thành đã có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Tuy nhiên, số người mù vì bệnh lý giác mạc đang rất lớn, khoảng hơn 30.000 người, nhưng con số ghép được rất ít ỏi. Trong số bệnh nhân chờ ghép giác mạc, nhiều nhất là ở độ tuổi 30-60, có cả trẻ em.
Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến mất.
Hiến giác mạc sau khi mất đi là một nghĩa cử cao đẹp, đem lại sự sống, ánh sáng cho nhiều người khác.
Kiểm soát nhiễm khuẩn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những yếu tố then chốt nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế.
Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà… đang gia tăng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, nếu cơ sở y tế nào không thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ khiến dịch bệnh lây lan, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ bệnh chồng bệnh.
Viêm phổi liên quan đến thở máy là một trong 4 loại nhiễm khuẩn thường gặp hàng đầu hiện nay. Tại Việt Nam, viêm phổi liên quan đến thở máy chiếm tỷ lệ nhiễm khuẩn cao nhất so với các loại nhiễm khuẩn còn lại.
Tỷ lệ nhiễm khuẩn viêm phổi thở máy thay đổi tùy theo quy mô của bệnh viện, ước khoảng từ 10-20%. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, hậu quả của viêm phổi thở máy làm tăng thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh và chi phí điều trị cũng như tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh.
PGS-TS.Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam dẫn chứng, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, có những bệnh nhân tử vong không hoàn toàn do vi rút SARS-CoV-2 mà vì viêm phổi liên quan đến thở máy.
Nhiễm khuẩn này gây ra bội nhiễm các vi khuẩn khác trong bệnh viện khiến bệnh nhân chuyển từ tình trạng nhẹ sang nặng. Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh sởi diễn ra tại TP.HCM hiện nay, việc phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện là vô cùng quan trọng.
Giống với Covid-19, bệnh sởi cũng lây truyền qua đường hô hấp, trong không khí. Nếu các cơ sở y tế không làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ dẫn đến những hệ lụy vô cùng nguy hiểm.
Ngoài ra, đôi bàn tay của nhân viên y tế nếu không được vệ sinh đúng cách cũng là nơi làm lan truyền những tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện.
Trước thực trạng nhiễm khuẩn bệnh viện gây ra nhiều hệ lụy cho người bệnh và hệ thống y tế, thời gian qua, lãnh đạo các bệnh viện đã đầu tư nguồn lực cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Để công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đạt hiệu quả cao, một trong những giải pháp vừa đơn giản, vừa hữu hiệu, lại tiết kiệm chi phí, đó là vệ sinh bàn tay đúng cách. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, vệ sinh tay thích hợp có thể ngăn ngừa gần 50% nhiễm khuẩn bệnh viện.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo, vệ sinh tay là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ, sởi, tay chân miệng, ho gà, tiêu chảy, cúm…
WHO cũng quy định 5 thời điểm cần vệ sinh tay ở mỗi lần chăm sóc bệnh nhân, gồm: Trước khi tiếp xúc bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật vô trùng, sau khi phơi nhiễm với dịch tiết bệnh nhân, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân và sau khi tiếp xúc với vật dụng xung quanh bệnh nhân.
Nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo và bùng phát các ổ dịch sởi, ho gà… tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt công tác thu dung người bệnh; điều trị kịp thời, hạn chế tối đa trường hợp chuyển nặng, tử vong.
Đặc biệt, tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm và cách ly kịp thời ca nhiễm hoặc nghi nhiễm; các trường hợp nhẹ, không có biến chứng có thể hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà, trạm y tế.
Hướng đi mới trong điều trị ung thư đại tràng di căn
Thuốc Fruquintinib được chứng minh có hiệu quả kéo dài tuổi thọ cho người bệnh ung thư đại trực tràng di căn kháng trị, theo kết quả nghiên cứu FRESCO-2 năm 2023.
Thông tin do TS.BS Edward A.Pham, Viện phó Viện Nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford chia sẻ tại Hội nghị khoa học 2024 của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Nghiên cứu FRESCO-2 được thực hiện tại 124 bệnh viện và trung tâm ung thư ở 14 quốc gia, trên các bệnh nhân 18 tuổi trở lên bị ung thư biểu mô đại trực tràng di căn kháng trị với các liệu pháp trước đó.
Theo nghiên cứu, thời gian sống thêm trung bình của những bệnh nhân tham gia nghiên cứu được điều trị bằng thuốc Fruquintinib là 7.4 tháng, gần gấp đôi so với kết quả 4.8 tháng của nhóm sử dụng giả dược.
Fruquintinib là thuốc làm chậm, giảm hoặc ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu cung cấp máu cho một số khối u. Nghiên cứu ban đầu FRESCO thực hiện năm 2017, trên 416 bệnh nhân tại Trung Quốc cũng cho kết quả tương tự. Kết quả này cho thấy tín hiệu khả quan đối với việc phát triển và ứng dụng thuốc điều trị đặc hiệu cho ung thư đại trực tràng giai đoạn di căn.
Theo Gobocan 2022, ung thư đại trực tràng đứng thứ 4 trong các loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam với gần 17.000 ca mắc mới, tăng hơn so với báo cáo Globocan 2020. TS.BS Edward A.Pham chia sẻ trong báo cáo, ung thư đại trực tràng có xu hướng trẻ hóa. “Mặc dù độ tỷ lệ người mắc còn thấp nhưng số lượng người trẻ dưới 50 tuổi mắc ung thư trực tràng có xu hướng tăng gấp đôi”.
Vì vậy, độ tuổi bắt đầu sàng lọc ung thư trực tràng nên giảm xuống 45 thay vì 50, theo Hướng dẫn cập nhật năm 2021 của American College of Gastroenterology.
Ung thư đại trực tràng di căn đến nay vẫn còn là thách thức với y học vì tốc độ tiến triển nhanh, dễ kháng thuốc, khó điều trị. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người bệnh chỉ khoảng 14%.
Theo TS Edward, trong 20 năm qua lĩnh vực điều trị ung thư đại trực tràng có nhiều tiến bộ. Trước năm 2000, bệnh chủ yếu điều trị bằng hóa trị với hiệu quả hạn chế, thời gian sống thêm khoảng 1 năm.
Từ năm 2000 – 2010, sự kết hợp giữa liệu pháp nhắm trúng đích và hóa trị cải thiện thời gian sống thêm cho người bệnh khoảng 2 năm.
Từ 2010 – 2020, liệu pháp miễn dịch ra đời, phối hợp với liệu pháp trúng đích và hóa trị, thời gian sống thêm đối với người bệnh ung thư đại trực tràng là 3 năm.
Trong điều trị ung thư trực tràng, hóa xạ trị tân bổ trợ làm giảm kích thước u, làm tăng tỷ lệ bảo tồn cơ thắt ở nhóm u trực tràng thấp lên 65%, giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ. Phẫu thuật nội soi cắt trực tràng điều trị ung thư trực tràng được khẳng định là an toàn, hiệu quả. Kết hợp cùng hoá xạ trị tiền phẫu dài ngày làm giảm giai đoạn bệnh hiệu quả.
Chia sẻ về các biện pháp điều trị ung thư đại trực tràng, TS.Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết tại Việt Nam đang thực hiện điều trị đa mô thức, các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích, miễn dịch, tương tự trên thế giới.
Chỉ định điều trị tùy theo giai đoạn bệnh, vị trí u, giải phẫu bệnh, kết quả kiểm tra đột biến gen, bộc lộ miễn dịch. Thông thường giai đoạn sớm thường chỉ định phẫu thuật, sau đó có thể bổ trợ bằng thuốc hóa chất, đích, miễn dịch. Ở giai đoạn muộn, các phác đồ điều trị hiện nay bao gồm hóa chất, đích, miễn dịch.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-110-nghia-cu-hien-giac-mac-dem-lai-anh-sang-cho-nguoi-mu-loa-d226252.html