私の故郷クアンキムにぜひお越しください

Việt NamViệt Nam05/02/2025


(QBĐT) - Câu ca dao “Ai ra miền Bắc Quảng Bình/Xin mời ghé lại quê mình Quảng Kim” đã thôi thúc tôi trong hành trình nghiên cứu, khám phá về vùng đất và con người xã Quảng Kim (Quảng Trạch), một trong những địa phương có nhiều nét văn hóa đặc sắc của xứ Roòn và Bắc Quảng Bình.

 

Quảng Kim ở vào thế trước sông, sau núi. Dãy Hoành Sơn, tức núi Phượng như một bức trường thành hùng vĩ bao bọc, che chắn Quảng Kim từ Tây, tây bắc đến Bắc rồi sang đông bắc, với nhiều đỉnh núi cao án ngữ. Ở eo O Gió có con suối từ trên cao đổ xuống vách đá dựng đứng có 3 bậc tạo thành thác có tên gọi là Tam Cấp. Một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đến mê hồn của Quảng Kim.

 

Trước mặt Quảng Kim là hai chi lưu chính của sông Loan gồm sông Càng và sông Thai ôm trọn từ hai phía. Sông Roòn được người dân ở khu vực Bắc Quảng Trạch cũng như Quảng Kim gọi là sông Loan. Sông Càng là nhánh chính bốn mùa trong xanh chảy từ tây nam sang phía Nam. Dưới thời Bắc thuộc, sông này có tên là sông Đồ Lê(1). Sông bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn với chiều dài khoảng 30km. Còn sông Thai bắt nguồn từ hang Đá Bạc dưới chân núi Phượng Hoàng. Phần hạ lưu sông Thai hợp lưu với sông Càng đổ ra cửa Roòn.

 

Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả về sông Roòn “Ở phía Bắc huyện 24 dặm, đầu nguồn ở phía Tây khe Thủy Vực, qua khe An Lạc 30 dặm thông ra cửa Roòn”(2), còn sông Càn được mô tả “Ở phía Bắc huyện 37 dặm, bắt nguồn từ Tây sông Thạch Giang ba dặm, lại có kênh Hùng Sơn, đều chảy vào sông Roòn”(3). Sông Loan, núi Phượng đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, tráng lệ, từng được các thi sĩ xưa mô tả thật quyến rũ:

“Loan trường Phượng trữ, giang sơn lệ

Thỏ tẩu, ô phi nhật nguyệt trường”

 

Nghĩa là, sông Loan dài, núi Phượng cao, rất tráng lệ/Thỏ chạy, chim bay, ngày đêm dài.

Trong quá trình khai khẩn suốt từ thời hậu Lê đến thế kỷ XIX, thế hệ tiền nhân đã đổ nhiều công sức khai hoang, phá núi, biến vùng đồi núi và rẻo đất hoang sơ, bãi bồi ven sông thành 3 đơn vị hành chính gồm thôn Kiêm Long (tên thuần Việt là Kẻ Càng), thôn Hùng Sơn và trang Xuân Hòa, lập nên xã Quảng Kim hôm nay.

 

Trải qua biến thiên của lịch sử, các đơn vị hành chính có sự thay đổi cả về tên gọi, quy mô diện tích và dân cư. Đến tháng 10/1956, xã Quảng Kim được thành lập trên cơ sở sáp nhập thôn Hùng Sơn vào thôn Kiêm Long với đất đai của Kiêm Long và Xuân Hòa. Danh xưng Quảng Kim ra đời và được dùng để chỉ đơn vị hành chính tồn tại từ đó tới nay.  

Miếu thờ Cao Các mạc sơn thôn Xuân Hòa.
Miếu thờ Cao Các mạc sơn thôn Xuân Hòa.

Qua khảo cứu chỉ có trong Đồng Khánh địa dư chí (khắc in 1888) và Đồng Khánh toàn đồ là những tài liệu ghi chép đầy đủ xã Kiêm Long, thôn Hùng Sơn và trang Xuân Hòa thuộc tổng Thuận Hòa, huyện Bình Chính. Còn trong cuốn Địa lý-Lịch sử Quảng Bình của Lương Duy Tâm đã thống kê số liệu trong cuộc điều tra dân số năm 1936 của chính quyền thực dân Pháp thì trong tổng Thuận Hòa, vùng đất Quảng Kim chỉ còn 2 đơn vị hành chính là xã Kiêm Long và thôn Hùng Sơn.

 

Theo tài liệu truyền khẩu thì các vị tiền nhân của Quảng Kim vốn từ các tỉnh phía Bắc đèo Ngang di cư vào. Đáng tiếc là cả hương phả và phần lớn tộc phả của Kiêm Long, Hùng Sơn, Xuân Hòa đều không còn. Toàn xã chỉ còn lại duy nhất cuốn tộc phả của chi họ Từ (Đỏ) ở Kiêm Long được lập năm Bảo Đại thứ 7 (1932).

 

Trong lịch sử, vùng đất Quảng Kim là phên dậu nơi diễn ra các cuộc xung đột giữa các triều đại phong kiến Việt Nam và Champa, Chiêm Thành, đến Trịnh-Nguyễn phân tranh. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, nhiều văn thân, sĩ phu, thanh niên trai tráng vùng Roòn, trong đó có làng Kiêm Long, Hùng Sơn hưởng ứng, lập căn cứ trên núi Hoành Sơn và vùng Đuồi, thuộc thôn Hạ Lý, xã Quảng Châu để chống Pháp. Hôm nay, giữa đất trời Quảng Kim, âm hưởng và hình ảnh của phong trào Cần Vương với những địa danh đã đi vào sử sách như cồn Tập, cồn Vạn, khe Rửa Đọi... vẫn vang vọng về:

 

“Rời chân khỏi mảnh đất này

Nhớ khe Rửa Đọi, nhớ cây làm sàn”

 

Theo quy luật vận động của thời gian, cũng như do sự tàn phá của chiến tranh, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của làng quê Quảng Kim đã biến mất, số còn sót lại cũng không còn vẹn nguyên. Một số di tích như đình làng Kiêm Long, miếu thờ bà Đại Càn quốc gia Nam Hải, miếu Bà Hỏa, miếu Ngũ Phương, miếu Cồn Nghè, nghè Nương Kho, nghè Giếng Mội, nền Thánh Văn, nền Thánh võ, chùa Thai, chùa Càn, điếm… nay không còn dấu tích. Một số di tích còn sót lại đã bị hư hỏng, xuống cấp. Đình làng Hùng Sơn được thiết kế kiểu 3 gian và được chạm trổ hoa văn trang trí đa dạng.

 

Hiện nay, đình chỉ còn lại 1 gian tại gia đình ông Nguyễn Vấn, thôn Hùng Sơn. Hiện nay, vẫn còn câu chữ Hán chạm trên xà ngang của đình “Long phi Tân Tỵ trọng xuân tân tạo”, nghĩa là làm mới vào mùa xuân năm Tân Tỵ (1941). Miếu Cao Các mạc sơn của trang Xuân Hòa được xây dựng ở xứ Đồng Bạc. Miếu nằm ở góc đông nam đập thủy lợi của hồ chứa sông Thai. Trụ biểu và vế đối phía bên trái của miếu bị đổ sập, nay chỉ còn trụ biểu và vế đối phía bên phải “Linh địa tú chung Xuân Hòa phong cảnh thị”, nghĩa là đất linh tốt đẹp mở ra phong cảnh Xuân Hòa là đây.

 

Ngoài ra, Quảng Kim còn có miếu Thần Nông của thôn Hùng Sơn. Miếu đã bị hư hỏng khá nặng, một phần cột trụ bên phải bị đổ hoàn toàn, cột trụ bên trái cũng bị gãy mất đỉnh cột. Quảng Kim có nhiều lễ hội đặc sắc như hội làng, lễ kỳ phúc, lễ cầu đảo, lễ hoàng trùng (Tống ôn), lễ hổ, lễ tết trâu bò, lễ hạ điền, lễ hạ canh…  Ngoài các lễ hội truyền thống, Quảng Kim còn có các trò chơi dân gian như bài chòi, cờ thẻ, đánh đu, xé cù…

 

Không chỉ phong phú về lễ hội mà các loại hình diễn xướng dân gian ở Quảng Kim cũng hết sức đặc sắc với các loại hình như hát Nhà trò, hát Kiều. Nếu như ca trù truyền thống có 3 lối hát: Hát thờ, hát chơi và hát thi, thì ở Quảng Kim chỉ có 2 lối hát, gồm hát cửa đình và hát chơi. Còn hát Kiều loại hình sân khấu được chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Hát Kiều ở Quảng Kim có 32 điệu. Chính giá trị diễn xướng độc đáo của nghệ thuật hát Kiều có sức lan tỏa thâm trầm mà cũng rất sâu lắng, góp phần quan trọng vào việc rèn luyện và hình thành nên tâm tính, cốt cách người dân Quảng Kim...

 

Với lịch sử khoảng trên 300 năm hình thành, các thế hệ cư dân Quảng Kim đã có nhiều đóng góp, dựng xây truyền thống và các giá trị văn hóa độc đáo, mang bản sắc của quê hương. Gia tài quý báu đó, trở thành nguồn lực vô giá cho Quảng Kim trong hành trình phát triển không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau.

Nhật Linh

(1) Lương Duy Tâm, Địa lý-Lịch sử Quảng Bình, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình xuất bản, 1998, tr.128.

(2), (3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Lao động, Hà Nội, 2012, tập 1, tr.508, tr.512.



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/xin-moi-ghe-lai-que-minh-quang-kim-2224168/

コメント (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available