ダラット花き産業の高付加価値チェーンの構築

Việt NamViệt Nam05/02/2025


Nghề trồng hoa tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hình thành từ những năm 30 của thế kỷ 20. Giờ đây, thương hiệu “Hoa Đà Lạt” ngày càng tạo được vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập quốc tế và cạnh tranh với những nước có nền nông nghiệp sản xuất hoa tiên tiến, cần có chiến lược phát triển ngành hoa Đà Lạt trở thành ngành sản xuất hàng hóa giá trị cao, bền vững với chuỗi giá trị hội nhập khu vực và quốc tế.

Sản xuất hoa công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.Sản xuất hoa công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận được xem là trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu cả nước. Đây là một trong những ngành hàng có tiềm năng phát triển lớn, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành nông nghiệp Lâm Đồng.

Từ làng hoa đến xứ ngàn hoa

Với ưu thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, cách đây hàng chục năm, Đà Lạt đã có sự chuyển đổi ngoạn mục biến vùng đại ngàn sơn cước thành xứ ngàn hoa quanh năm khoe sắc. Để đô thị cao nguyên trở thành xứ sở của hoa, lịch sử nghề trồng hoa Đà Lạt phải nhắc đến công lao của những nông dân đến từ miền bắc.

Vào thập niên 30 thế kỷ 20, những nông dân từ các làng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá, Vạn Phúc, Tây Tựu... đến Đà Lạt và mang theo nghề trồng hoa truyền thống. Tiếp đó, những lưu dân xa xứ từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế… đã tập làm quen với nghề trồng hoa. Đến nay, nghề trồng hoa tại Đà Lạt và vùng lân cận đã trải qua một hành trình rực rỡ và hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bởi khát vọng và những định hướng chiến lược đang ấp ủ.

Du khách đến trải nghiệm xứ ngàn hoa Đà Lạt, về các làng hoa truyền thống ven đô để được tìm hiểu quy trình sản xuất hoa công nghệ cao; để nghe những lão nông ở làng hoa truyền thống Vạn Thành kể truyền thuyết hoa hồng, về làng hoa Thái Phiên, Đa Thiện, Xuân Thành, để nghe kể chuyện hoa cúc, lily, cát tường... Và đến làng hoa Hà Đông để ngược miền ký ức, về nơi khai mở nghề trồng hoa Đà Lạt. Trong khu nhà kính rộng chừng 4.000 m2, ông Tạ Minh Quân, nông dân tại làng hoa Hà Đông (Phường 8, TP Đà Lạt) đang điều khiển hệ thống nước tưới, bón phân và chăm sóc vườn hoa của gia đình cho biết: “Trồng hoa bây giờ nhàn hơn xưa nhiều, bởi phần lớn nhà nông Đà Lạt đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất”.

Ông Quân là thế hệ thứ ba gắn bó với nghề trồng hoa ở làng hoa Hà Đông. Ông kể, năm 1938, làng hoa Hà Đông được thành lập. Sau đó, nhiều cư dân từ các vùng, miền khác trong cả nước tới Đà Lạt lập nghiệp và cũng lấy nghề trồng hoa làm kế sinh nhai, tạo nên các làng hoa khác, như Vạn Thành, Thái Phiên, Xuân Thành, Đa Thiện... Qua thời gian, ngành hoa Đà Lạt không ngừng phát triển, phủ lên khắp thành phố cao nguyên và đưa Đà Lạt trở thành “thành phố ngàn hoa” nổi tiếng.

Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 10,8 nghìn héc-ta canh tác hoa, sản lượng hơn 4,4 tỷ cành/năm, với 400 giống hoa các loại, chủ yếu tập trung tại thành phố Đà Lạt và vùng lân cận. Từ canh tác theo phương thức truyền thống, nghề trồng hoa không ngừng được áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để trở thành lĩnh vực sản xuất nông nghiệp dẫn đầu về ứng dụng công nghệ cao.

Nghề trồng hoa tại Đà Lạt đem lại lợi nhuận cao, đạt doanh thu trung bình 1 tỷ đồng/ha/năm; các mô hình trồng hoa cao cấp đạt doanh thu từ 4 đến 5 tỷ đồng/ha/năm. Không chỉ là sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, hoa Đà Lạt còn là “sứ giả” văn hóa, tài nguyên du lịch, nguyên liệu cho ẩm thực, thời trang, dược phẩm, là nhân tố cốt lõi tạo nên danh tiếng và sức hấp dẫn cho thành phố Đà Lạt.

Chủ trang trại hoa lan YSA Orchid, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang đánh giá: “Qua tìm hiểu ngành sản xuất hoa tại các nước trong khu vực và một số nước châu Âu, chúng tôi cho rằng, Đà Lạt là mảnh đất màu mỡ để phát triển ngành hoa cao cấp và thị trường đang rộng mở với hoa Đà Lạt, việc còn lại là tư duy sản xuất và cách làm”.

Phát triển ngành hoa chuỗi giá trị cao

Định hướng chiến lược phát triển bền vững ngành hoa Đà Lạt-Lâm Đồng, tỉnh Lâm Đồng xác định, sản xuất hoa là một trong các ngành hàng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, có tiềm năng phát triển lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp địa phương và tạo sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh với các vùng sản xuất khác trong nước.

Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng Hà Ngọc Chiến thông tin, thời gian tới sẽ hình thành hệ thống logistics phù hợp và hiệu quả, đáp ứng thị trường “cung, cầu” trong và ngoài nước. Đồng thời, vận hành chuỗi giá trị ngành hoa hội nhập quốc tế, tiếp cận nhanh thành tựu khoa học và công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của ngành hoa. “Tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án chiến lược để phát triển bền vững ngành hoa Lâm Đồng thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế”, ông Chiến cho biết.

Hoa Đà Lạt từ lâu đã có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu còn khá khiêm tốn. Năm 2024, xuất khẩu hoa toàn tỉnh chỉ đạt hơn 494 triệu cành, với 34 chủng loại hoa, lá sang 23 nước và vùng lãnh thổ, tương ứng hơn 11,2% tổng sản lượng hoa toàn tỉnh.

Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang cho rằng: “Tỷ lệ hoa thương phẩm, cây giống hoa cấy mô, ngọn giống hoa xuất khẩu toàn tỉnh còn thấp so với tiềm năng sản xuất, trong khi giá tiêu thụ nội địa còn bị động; chưa có mô hình sản xuất-tiêu thụ hoa bền vững gắn với hoạt động của làng hoa, công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác… Do đó, cần có chiến lược phát triển hoa trở thành ngành hàng sản xuất hàng hóa giá trị cao, bền vững với chuỗi giá trị hội nhập khu vực, quốc tế”.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, ngành hoa Đà Lạt xác định, tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và tổ chức theo hướng công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời, phát triển các vùng sản xuất hoa chuyên canh theo hướng bền vững, phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương, khu vực và năng lực sản xuất của người dân, doanh nghiệp; sản xuất bảo đảm cảnh quan đô thị, nông thôn, hướng đến hình thành các mô hình điểm về làng hoa xanh.

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác hoa khoảng 4.000 ha (diện tích gieo trồng khoảng 12 nghìn héc-ta), sản lượng khoảng 5,4 tỷ cành và 0,5 tỷ chậu hoa các loại; giá trị sản xuất ngành hoa hơn 15 nghìn tỷ đồng, giá trị thu hoạch bình quân đạt hơn 3,7 tỷ đồng/ha và kim ngạch xuất khẩu hoa đạt hơn 217 triệu USD.

Có ít nhất 5 vùng sản xuất hoa công nghệ cao được công nhận, với quy mô hơn 2.500 ha; đẩy mạnh hoạt động nuôi cấy mô sản xuất giống, nâng cao năng lực sản xuất hơn 120 triệu cây giống, xuất khẩu đạt 75 triệu cây giống cấy mô... Định hướng đến năm 2050, ngành hoa trở thành chuỗi giá trị ngành hàng bền vững mang tầm quốc tế, cơ bản sản lượng hoa được tiêu thụ qua các trung tâm logistics hiện đại; hơn 50% sản lượng hoa xuất khẩu; hình thành trung tâm sản xuất hoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á và nâng tầm thương hiệu hoa thuộc nhóm đầu châu Á.

Hiện tại, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đang tổ chức lấy các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... để xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành hoa địa phương. Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, giải pháp khoa học-công nghệ là yếu tố cốt lõi, đột phá lớn nhất để phát triển ngành hoa và tăng tỷ lệ xuất khẩu.

Đồng thời, quan tâm khâu chọn tạo giống, thực hiện nghiêm về thực hiện giống bản quyền; phát triển hạ tầng phục vụ cho ngành hoa (trung tâm giao dịch hoa và các trung tâm logistics; hình thành vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao, cụm công nghiệp sản xuất giống nuôi cấy mô…); chú trọng phát triển nguồn nhân lực ngành hoa; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử và quảng bá, hợp tác quốc tế trong phát triển ngành hoa.



Nguồn: https://baodaknong.vn/tao-chuoi-gia-tri-cao-cho-nganh-hoa-da-lat-241962.html

コメント (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available