Cập nhật ngày: 05/02/2025 05:16:17
ĐTO - Từ con số khởi điểm khiêm tốn chỉ 3 hợp tác xã (HTX) hoạt động cầm chừng vào năm 1994, đến nay, sau 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống HTX Đồng Tháp đã phát triển thần tốc, với hàng trăm đơn vị hoạt động hiệu quả, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của tỉnh. Đặc biệt, những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã mang đến làn gió mới cho các HTX Đồng Tháp khi nhiều HTX đã thành công trong việc áp dụng công nghệ IoT vào sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Mỗi hecta sầu riêng sản xuất theo hướng VietGAP của Hợp tác xã sầu riêng Phú Hựu (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành) cho lợi nhuận trung bình 900 triệu đồng/năm
“Số hóa” hợp tác xã
HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Bình Thành (huyện Lấp Vò) là một trong số HTX điển hình ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên. Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc HTX DVNN Bình Thành chia sẻ, ngay từ khi thành lập (năm 1989), HTX đã xác định liên kết và sản xuất theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế là tôn chỉ hoạt động. Để thực hiện mục tiêu này, HTX từng bước đưa công nghệ vào sản xuất, áp dụng các biện pháp giảm giá thành. Việc đưa HTX phát triển theo hướng mới, hội nhập quốc tế đem lại nhiều lợi ích thiết thực.
Hiện, HTX đang quản lý gần 1.200ha đất sản xuất lúa 3 vụ/năm, gần 100% nông dân đã sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật rất tiện lợi. Các sản phẩm của HTX làm ra như: lúa, gạo, nước uống đóng bình, đóng chai đều gắn mã QR để minh bạch trong sản xuất, thuận tiện trong quản lý, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. HTX sử dụng phần mềm kế toán, thuế điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số, thiết bị bơm nước tự động, xây dựng website để giới thiệu sản phẩm... Nhờ ứng dụng công nghệ số, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX cao gấp nhiều lần so với trước đây. “Thời gian tới, HTX đầu tư mô hình trạm giám sát sâu rầy thông minh để tự động đưa ra cảnh báo và dự báo sâu rầy” - ông Nguyễn Văn Đời cho biết.
Nhận thấy lợi ích từ kinh tế tập thể, năm 2020, HTX sầu riêng Phú Hựu (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành) được thành lập với 29 thành viên, diện tích canh tác khoảng 70ha sầu riêng. Dù thành lập chưa lâu, nhưng để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như phát triển kinh tế tập thể giai đoạn mới, HTX đã đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, phân phối lợi nhuận theo thỏa thuận liên kết hợp tác. Giám đốc HTX sầu riêng Phú Hựu Lê Thanh Điền cho biết, hiện nay hầu hết thị trường đều yêu cầu phải có mẫu mã, sản phẩm tươi, sạch, đảm bảo an toàn, nên bắt buộc HTX phải đổi mới, thực hiện đúng quy trình đối tác đưa ra, đó là gắn mã vùng trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng. Do đó, việc thành lập HTX đã đáp ứng các yêu cầu của thị trường, đối tác và quan trọng là đưa HTX phát triển bền vững, đem lại thu nhập cao cho các thành viên.
Không chỉ HTX DVNN Bình Thành, HTX sầu riêng Phú Hựu mà nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã và đang phát triển theo hướng đi mới, hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu kinh tế thị trường, đơn vị đối tác. Đó là sản xuất theo hướng VietGAP, đẩy mạnh chuyển đổi số, gắn mã vùng trồng xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sản phẩm OCOP để tạo thương hiệu.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò) đang sản xuất gần 1.200ha lúa 3 vụ/năm, gần 100% nông dân nơi đây sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật
tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã phát triển
Ông Lê Quang Cường - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp cho biết, số HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng do đã thích ứng được với những điều kiện khắt khe của kinh tế thị trường. Bên cạnh sự nhanh nhạy trong thay đổi tư duy sản xuất, tận dụng tối đa những lợi thế địa phương, HTX còn làm tốt dịch vụ hậu cần, giữ thế chủ động trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, từng bước tạo thế mạnh về kinh tế cho HTX và xã viên. Trong tổng số 243 HTX toàn tỉnh, có 70% HTX hoạt động hiệu quả. Các HTX đã dần chuyển đổi sang mô hình kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhất là hỗ trợ, phục vụ thành viên thông qua các dịch vụ của HTX. Việc liên kết giữa các HTX và HTX với các tổ chức kinh tế khác được chú trọng. Ngoài ra, HTX rất tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP (hiện có 12 HTX có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao).
Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, so với bình diện chung của cả nước, số lượng HTX ở Đồng Tháp chỉ ở mức trung bình, tuy nhiên, số HTX hoạt động có hiệu quả chiếm tỷ lệ khá cao (trên 70%). Đây là cơ sở để Đồng Tháp nghiên cứu, xây dựng mô hình Liên hiệp HTX, huy động nguồn vốn đủ mạnh trong thành viên, xây dựng mô hình kinh tế tập thể điển hình tiêu biểu của cả nước.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng số hóa của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò)
“Còn rất nhiều dư địa để HTX Đồng Tháp phát triển nếu biết khai thác phù hợp, đặc biệt là đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của từng thị trường tiềm năng, tạo chỗ đứng riêng cho thương hiệu HTX Đồng Tháp. Vấn đề là địa phương sẽ đầu tư theo hướng nào để có những bước đi phù hợp. Bên cạnh HTX nông nghiệp, chúng ta có thể phát triển thêm các HTX lĩnh vực giáo dục, y tế; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức trong sinh viên, học sinh, tạo nền tảng cho lực lượng trẻ tham gia HTX sau này hoặc khởi nghiệp từ HTX...” - bà Vân chia sẻ.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đánh giá: “Việc phát triển kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Tỉnh đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân tham gia vào các HTX. Thành công của mô hình này không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào hạ tầng nông thôn, hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học, kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX phát triển”.
Mỹ Nhân
Nguồn: https://baodongthap.vn/kinh-te/chuyen-doi-xanh-va-so-hoa-diem-sang-cua-hop-tac-xa-dong-thap-129027.aspx
コメント (0)