Thông tin chiến sự
Israel đột kích thành phố Tulkarm ở Bờ Tây. Quân đội Israel mới đây đã công bố một số hình ảnh về cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm nước này tại thành phố Tulkarm nằm ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
Theo đó, lực lượng của Israel đã giao tranh với các chiến binh Palestine tại trại tị nạn Nur Shams. Ít nhất 10 tay súng bị tiêu diệt và 8 nghi phạm truy nã bị Israel bắt giữ, trong khi phía Israel có 9 binh sĩ bị thương.
Chiến sự Israel-Hamas ở Trung Đông vẫn được xem là một khu vực phức tạp nhất thế giới. Ảnh: AP |
Israel tấn công cơ sở hạ tầng của Hezbollah. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo, Lực lượng Không quân nước này đã tiến hành các cuộc tấn công vào một số mục tiêu của phong trào Hezbollah của người Shiite ở Lebanon ở miền nam Lebanon.
“Các máy bay chiến đấu của Không quân Israel đã tấn công một số mục tiêu khủng bố của Hezbollah ở Lebanon, đặc biệt là một trạm quan sát ở khu vực Odayseh và hai cơ sở quân sự ở khu vực Khiam”, IDF tuyên bố.
Tình hình ở biên giới Israel-Lebanon trở nên tồi tệ hơn sau khi Israel bắt đầu các hoạt động quân sự ở Dải Gaza vào tháng 10/2023. Quân đội Israel và các chiến binh Hezbollah của Lebanon hàng ngày bắn vào các vị trí của nhau ở các khu vực dọc biên giới.
Theo Bộ Ngoại giao Lebanon, khoảng 100 nghìn người buộc phải rời bỏ nhà cửa ở miền nam nước này do pháo kích của Israel. Trong khi đó, phía Israel cho biết, khoảng 80 nghìn cư dân ở miền bắc nước này cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Một số diễn biến liên quan
Hamas: Israel muốn Mỹ tham gia cuộc chiến với Iran. Thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh cho biết, Israel muốn Mỹ tham gia cuộc chiến với Iran.
"Thủ tướng Israel Netanyahu không muốn chấm dứt chiến sự ở Gaza, nhưng muốn mở rộng phạm vi để trở thành khu vực. Tương tự như vậy, ông ấy muốn Mỹ tham gia vào cuộc chiến trên bất kỳ mặt trận nào, đặc biệt là với Iran, hoặc trở thành một cánh quân phục vụ Israel”, ông Haniyeh nói.
Khủng hoảng ở Dải Gaza có nguy cơ lan rộng khắp khu vực. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo nguy cơ đối đầu giữa Israel-Hamas lan rộng khắp khu vực Trung Đông.
Tổng thống Erdogan cho biết, điều quan trọng là phải giảm căng thẳng giữa Israel và Iran để ngăn xung đột leo thang trên toàn khu vực và để đạt được điều này, các nước Hồi giáo cần phải hành động cùng nhau.
Ông Erdogan cũng lên tiếng ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và đảm bảo quyền tiếp cận không bị cản trở tới khu vực để viện trợ nhân đạo làm cơ sở giải quyết xung đột.
Hamas muốn Liên Hợp Quốc và một số nước bảo đảm an ninh cho Dải Gaza. Theo Thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh, phong trào này mong muốn Liên Hợp Quốc, Ai Cập, Qatar, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và trong tương lai là cả Mỹ sẽ là những bên đóng vai trò đảm bảo an ninh cho Dải Gaza. Tuy nhiên, Israel đã bác bỏ điều này.
“Hamas luôn đặt lên hàng đầu yêu cầu nói trên, đồng thời nói Israel đã không ngừng phản đối điều này”, ông Haniyeh nhấn mạnh.
Ngoài ra, đề cập về sự đình trệ trong vòng đàm phán diễn ra từ ngày 7/4 vừa qua, Thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo giải thích, Hamas không chấp nhận yêu cầu của Israel trả tự do cho tất cả con tin còn lại bị bắt giữ ở Gaza song sau đó lại tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự ở dải đất ven biển này.
Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tập trung nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn mới đối với cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ở Dải Gaza.
Theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan và thủ lĩnh của Hamas Ismail Haniyeh đã thảo luận về cuộc xung đột ở Dải Gaza, sự cần thiết đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo đến người dân ở dải đất này theo cách bền vững và không bị cản trở.
Ngoài ra, cuộc thảo luận cũng đề cập đến những vấn đề liên quan đến tiến trình hòa bình lâu dài và công bằng trong khu vực.
Hạ viện Mỹ phê duyệt gói viện trợ quân sự cho Israel. Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu cho hay, việc Hạ viện Mỹ phê duyệt hàng tỷ USD viện trợ quân sự mới cho Israel cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nước này.
Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật phân bổ 13 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Israel trong cuộc xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas mặc dù cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về số phận của thường dân ở Dải Gaza. Khoản viện trợ của Mỹ sẽ được sử dụng để tăng cường hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel.
Ngoài ra, hơn 9 tỷ USD cũng sẽ được Mỹ viện trợ để giải quyết nhu cầu cứu trợ nhân đạo cấp thiết ở Dải Gaza cũng như của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương khác trên thế giới.
Nguồn
Bình luận (0)