Tối trước trận chung kết ở Jakarta, HLV Jorvan Vieira bắt các cầu thủ Iraq ngồi lại sân Bung Karno sau buổi tập. “Nhìn xung quanh xem”, ông nói. “Tại đây, ngày mai, là trận đấu của chúng ta. Tôi không nghĩ Iraq sẽ đi tới trận này lần nào nữa”.
Thông điệp của HLV người Brazil rõ ràng, là cầu thủ phải nắm bắt cơ hội, thắng bằng mọi giá. Khi đến lượt phản hồi, toàn đội đồng ý.
Khoảng 22 ngày trước đó, không khí quanh đội bóng rất khác, khi họ chuẩn bị ở trận ra quân gặp Thái Lan tại Bangkok. Chưa bao giờ đội bóng rệu rã đến vậy, chủ yếu vì những vấn đề giữa ông Vieira và các cầu thủ trụ cột. Tình huống này như hình ảnh thu nhỏ của cuộc nội chiến ở quê nhà lúc đó.
Việc đầu tiên Vieira làm khi gặp Phó chủ tịch LĐBĐ Iraq (IFA) Najeh Humoud là đưa ra danh sách cầu thủ ông muốn tống cổ khỏi Thái Lan ngay lập tức. Ít ngày trước đó, họ thua Uzbekistan 0-2 trong trận giao hữu. Sau trận, một nhóm cầu thủ đã nói với trợ lý đồng hương Rahim Hameed rằng, họ sẵn sàng trả tiền đền bù hợp đồng để sa thải Vieira ngay lập tức.
Mối quan hệ thầy trò tệ đến mức IFA đã chuẩn bị cho tình huống sẽ triệu tập đội U23 tới Bangkok để đá Asian Cup, thay cho đội tuyển. Tuy nhiên, LĐBĐ châu Á (AFC) đã đưa ra thời hạn chốt danh sách cầu thủ từ trước đó, nên IFA không kịp thay đổi. Họ cũng muốn thay thế Vieira, nhưng không tìm được ai phù hợp khi giải đấu đã cận kề.
Trước Thái Lan, Iraq khởi đầu tồi tệ khi thủng lưới từ quả phạt đền của tiền vệ Sutee Suksomkit chỉ sau sáu phút. Nhưng đội khách gỡ hòa ngay trong hiệp một nhờ cú đánh đầu của tiền đạo Younis Mahmoud.
Sau này Mahmoud kể rằng anh thấy những CĐV đồng hương vẫy cờ Iraq mừng bàn gỡ trên khán đài, bất kể họ theo đảng phái chính trị nào. Anh tự cảm thấy tinh thần đoàn kết dân tộc, căm giận bất cứ thế lực nào chia rẽ đất nước khi đó.
Sau khi hòa Thái Lan, Iraq gặp Australia sở hữu dàn sao Ngoại hạng Anh như thủ môn Mark Schwarzer, tiền vệ Harry Kewell, Tim Cahill hay tiền đạo Mark Viduka. Australia khi đó chơi giải đầu tiên tại châu Á, sau khi gia nhập AFC, nhưng được coi là ứng viên vô địch.
Nếu Iraq thua trận đó, Vieira gần như chắc chắn bị sa thải. Nhưng, phép màu hiện diện trên sân Rajamangala, khi Mahmoud và đồng đội thắng 3-1. Trận hòa Oman 0-0 ở lượt cuối vừa đủ giúp Iraq đứng đầu bảng A, được ở lại Bangkok chơi trận tứ kết gặp Việt Nam. Iraq thắng 2-0 trận này, với cú đúp của Mahmoud, để vào bán kết gặp Hàn Quốc.
Đúng 27 ngày trước bán kết, Iraq đã gặp Hàn Quốc cũng ở trận giao hữu, và họ thua 0-3 dưới cơn mưa ở Daejeon. Có thể nói thầy trò Vieira đã thua toàn diện, dù Hàn Quốc vắng tiền vệ ngôi sao Park Ji-sung, hay hậu vệ Lee Young-pyo. Trận thua đó khiến Iraq nhiều lần phải họp khẩn. Trong một cuộc họp như thế, tiền vệ Nashat Akram đã kêu gọi đồng đội đứng lên bày tỏ sự quyết tâm, hoặc là về nhà.
Người hâm mộ Iraq chưa mừng được bao lâu, nỗi buồn đã ập đến ở quê nhà. Hai vụ đánh bom tự sát xảy ra liên tiếp ở Baghdad, khiến 50 người thiệt mạng, sau chiến tích của thầy trò Vieira.
Các cầu thủ Iraq suy sụp khi nghe tin. Sau đó, một phụ nữ xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia, nói rằng con trai bà mới 12 tuổi, tên là Haidar, vừa qua đời ở vụ khủng bố. Bà thề rằng sẽ chưa tổ chức tang lễ cho con, đến khi nào đội tuyển trở về từ Asian Cup. Thấy bà khóc, các cầu thủ Iraq cam đoan sẽ thắng trận chung kết vì Haidar, và vì mọi người Iraq.
Chung kết diễn ra ở Jakarta, và Iraq gặp đội đã ba lần đăng quang trước đó Arab Saudi. Hai đội đã đối đầu sáu tháng trước đó tại Cup Vùng vịnh, với chiến thắng 1-0 cho Saudi, còn Iraq bị loại.
Khi đó, HLV Akram Salman vẫn còn dẫn dắt Iraq chứ không phải Vieira. Trước trận, Salman họp đội và ám chỉ rằng ông đã đạt thỏa thuận với Arab Saudi rằng hai đội sẽ hòa, kết quả vừa đủ để họ dắt tay nhau đi tiếp. Ba cầu thủ Iraq sau trận đã bị cấm thi đấu hai năm vì cáo buộc Chủ tịch IFA Hussein Saeed dàn xếp tỷ số. Còn Salman bị sa thải với lý do chính thức là “truyền đạt sai thông tin với cầu thủ”.
Vieira được bổ nhiệm thay thế, sau thời gian làm việc cùng Al-Tai ở Saudi League. Ông bị CLB này sa thải chỉ sau năm tháng, vì xô xát với vài cầu thủ. Vì thế tái ngộ Arab Saudi tại chung kết Asian Cup, HLV người Brazil còn có duyên nợ cá nhân.
Hơn 60.000 khán giả tới sân Bung Karno xem trận chung kết, diễn ra tối 29/7/2007. Iraq chơi tốt hơn, đến nỗi các cầu thủ cảm thấy việc ghi bàn chỉ còn là vấn đề thời gian. Những tiếng hô vang: “Iraq, Iraq, Iraq” vang lên từ khắp các khán đài. Khi tiền vệ Hawar Mulla Mohammed chuẩn bị đá phạt góc ở phút 72, giọng của bình luận viên Raad Nahi có thể nghe rõ trên kênh Al-Iraqiya Sports, rằng: “Cầu Chúa, hãy mang niềm vui tới cho con tim tôi và dân tộc tôi”.
Hawar tạt bóng, và Mahmoud bật lên đánh đầu ghi bàn duy nhất trận đấu. Khi được hỏi về bàn thắng, Mahmoud nói: “Tất cả người dân Iraq đã ghi bàn, không chỉ riêng tôi”.
Vì thế, trong ngày Iraq lần đầu vô địch Asian Cup, họ hòa vào làm một. 11 cầu thủ đã làm được những điều mà chính quyền Iraq khi đó bất lực, đó là đoàn kết cả dân tộc và đem niềm vui tới cho mọi người, thay vì nước mắt và nỗi thống khổ.
Xuân Bình (theo Guardian)