Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định khả năng các ngân hàng trung ương kiềm chế được lạm phát mà không đẩy toàn cầu vào suy thoái.
Trong cuộc họp hôm 10/10, IMF cho rằng kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3% năm nay, giữ nguyên dự báo hồi tháng 7. Nguyên nhân là tốc độ tăng trưởng cao hơn dự kiến của Mỹ sẽ bù lại được triển vọng đi xuống của Trung Quốc và châu Âu.
Nhắc lại nhận định hồi tháng 7, IMF nhấn mạnh kinh tế toàn cầu vẫn đứng vững trước hai cú sốc là đại dịch và chiến sự Ukraine. “Khi thị trường năng lượng, lương thực bị chiến sự làm gián đoạn, lạm phát lên cao nhất nhiều thập kỷ do nới lỏng tiền tệ, hoạt động kinh tế đã chậm lại, nhưng không trì trệ. Kinh tế toàn cầu vẫn đang tiến lên”, Gourinchas viết.
IMF nhận định tăng trưởng và lạm phát hiện “ngày càng phù hợp với kịch bản hạ cánh mềm, đặc biệt là tại Mỹ”. Nước này được dự báo có tốc độ phục hồi mạnh nhất trong nhóm nền kinh tế lớn, với tăng trưởng GDP được nâng lên 2,1% năm nay.
Dù vậy, Gourinchas cảnh báo tăng trưởng “vẫn chậm và không đồng đều”. Khu vực châu Âu và Trung Quốc hiện có triển vọng kém lạc quan hơn so với 3 tháng trước.
Eurozone được dự báo tăng trưởng 0,7% năm nay và 1,2% năm tới. Các tốc độ này đều giảm so với dự báo hồi tháng 7.
GDP Trung Quốc cũng được cho là chỉ tăng 5% năm nay, giảm so với 5,2% trước đó. “Khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc đang ngày một sâu rộng, có khả năng gây tác động lan truyền ra thế giới, đặc biệt là với các hãng xuất khẩu hàng hóa”, báo cáo của IMF nêu.
IMF kỳ vọng lạm phát tiếp tục giảm, nhưng chưa thể quay về mục tiêu của các ngân hàng trung ương, ít nhất là hết năm sau. Lạm phát toàn cầu được dự báo vào khoảng 6,9% năm nay và 5,8% năm tới.
Khi được hỏi về tình hình tại Trung Đông, kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết trước báo giới rằng “còn quá sớm để đánh giá tác động” từ xung đột quân sự giữa Israel và Hamas lên tăng trưởng của khu vực và toàn thế giới. Ông khẳng định IMF đang theo dõi diễn biến này.
Gourinchas cũng cho rằng hiện tại rất khó đánh giá tác động của tình hình Trung Đông lên giá dầu. Mô hình của IMF chỉ ra giá dầu tăng 10% sẽ kéo lạm phát thế giới tăng 0,4%.
Dù giá dầu thô tăng vọt sau khi chiến sự nổ ra, Gourinchas cho biết đà tăng có thể không kéo dài. “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần thận trọng. Nhưng tôi nhấn mạnh hiện tại còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào”, ông nói.
Hà Thu (theo CNN)