Các cơ quan và tổ chức hiệp hội địa phương huyện Kỳ Sơn, Nghệ An trong những năm qua đã tích cực đưa ra các sáng kiến nỗ lực phòng chống nạn mua bán người, đối mặt với các trường hợp bị lừa bán do nhẹ dạ cả tin, bị kẻ xấu lừa đi lao động lương cao.
Kỳ Sơn có 21 xã, thị trấn với 194 bản. Trong đó có 11 xã giáp biên, 192km đường biên giới Việt – Lào, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Dân số toàn huyện hơn 70.000 người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 95%. Đời sống, trình độ nhận thức của đại đa số nhân dân nhìn chung còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận quần chúng chưa cao, tỷ lệ đói nghèo chiếm 50,9%.
Huyện có hơn 10.000 hội viên phụ nữ, nhiều chị em không biết tiếng phổ thông. Tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ còn cao, chiếm hơn 10. Tệ nạn xã hội chưa giảm, đặc biệt là tình trạng mua bán người còn tiềm ẩn phức tạp.
Nỗ lực đẩy lùi nạn mua bán người
Trong nhiều năm trở lại đây, cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn đã bắt và khởi tố hàng chục vụ mua bán người, bắt giữ các đối tượng và giải cứu nạn nhân liên quan. Trong đó, phần lớn chị em phụ nữ trên địa bàn huyện bị lừa bán là do nhẹ dạ cả tin, bị kẻ xấu lừa đi lao động lương cao, công việc nhẹ nhàng. Nhiều chị em do chán nản chuyện gia đình, chồng nghiện ma tuý, rượu chè, đi tù, hay đánh đập… nên bỏ đi Trung Quốc lấy chồng.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An, từ 2013-2018, riêng xã Chiêu Lưu có 60 chị đi lấy chồng ở Trung Quốc thì có 46 chị có chồng nghiện ma túy hoặc đang đi tù. Nhiều chị em tự nguyện đi kiếm tiền lo cho gia đình, nhưng bị lừa bán. Có trường hợp bị bán đi, sau đó trở về được địa phương lại rủ rê người khác đi Trung Quốc.
Nhiều trường hợp bố mẹ hoặc chồng tiếp tay cho kẻ xấu nhận tiền của kẻ môi giới cho con đi theo, không khai báo với cơ quan chức năng hoặc bao che cho kẻ xấu, thậm chí khi con mình được giải cứu trở về không muốn tiếp nhận và lại muốn cho đi… Vì vậy, tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em trên địa bàn ngày càng phức tạp, tinh vi dưới nhiều hình thức.
Mô hình “Tổ canh bào thai”
Hữu Kiệm là xã miền núi khó khăn của huyện Kỳ Sơn. Địa phương này có hơn 1.000 hộ dân với 4 dân tộc cùng chung sống, gồm Thái, Khơ Mú, Mông và Kinh.
Trước đây, Hữu Kiệm được biết đến là “điểm nóng” về tình trạng mua bán người, bán bào thai. Theo thống kê, địa phương này có 22 trường hợp đi bán bào thai, 2 nạn nhân bị kẻ xấu lừa bán sang nước ngoài.
Điểm chung của họ là cuộc sống nghèo khó, nhận thức về xã hội và pháp luật hết sức hạn chế. Điều đau lòng hơn, nhiều trường hợp từng là nạn nhân buôn người lại quay trở về địa phương để lừa bán người khác, kể cả chính người thân của mình.
Để ngăn chặn vấn nạn này, năm 2022, xã Hữu Kiệm xây dựng mô hình điểm về phòng, chống buôn bán người bao gồm lãnh đạo xã, công an, hội phụ nữ xã và các trưởng bản. Tổ công tác đặc biệt này thường được gọi là “tổ canh bào thai”.
Chị Lô Thị Là – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hữu Kiệm cho biết, vì nhận thức của người dân còn thấp, đời sống còn quá khó khăn nên nhiều phụ nữ nơi đây trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người.
Mỗi tuần 2 lần, tổ đến nhà các thai phụ để nắm tình hình, hỏi thăm sức khỏe. Phụ nữ mang thai trên địa bàn được cập nhật vào danh sách theo dõi của hội. Khi xác minh đúng một người mang thai, chị Là sẽ ghi cụ thể tên tuổi, số tháng thai kỳ, khi nào họ mẹ tròn con vuông thì đánh dấu đưa ra khỏi danh sách giám sát.
Theo chị Là, mỗi tuần cán bộ Hội Phụ nữ thường tranh thủ thời gian đến nhà các bà bầu nói chuyện, đặc biệt là tại các bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ để tuyên truyền, nắm bắt thêm nguyện vọng để kịp thời ngăn chặn họ đi bán bào thai.
Không dừng lại ở đó, để tránh người xấu vào bản lừa đảo, dụ dỗ phụ nữ đi bán bào thai, tổ công tác sẽ chủ động phát hiện và tìm hiểu rõ mục đích của họ.
Nữ cán bộ cho biết, tội phạm buôn người thường đánh vào tâm lý, kinh tế gia đình. Khi tiếp cận phụ nữ mang thai, chúng thường bảo rằng bán con sẽ có một khoản tiền lớn để trang trải, rồi có thêm tiền để nuôi những đứa con còn lại tốt hơn. Vì thế, nhiều người mới không suy nghĩ gì mà đồng ý đi bán con.
Ngoài tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, chị Là còn tranh thủ hướng dẫn các bà bầu làm các đồ thủ công bằng tre nứa để bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình trong thời gian ở nhà sinh con.
Ông La Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho rằng, nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ người dân tộc Khơ Mú. Nguyên nhân là do đồng bào có đời sống rất khó khăn, hầu hết là hộ nghèo, lối sống lạc hậu.
Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật rất kém nên ngay việc bán con của mình họ cũng không nghĩ là vi phạm pháp luật.
Để xóa bỏ tình trạng này, chính quyền địa phương đã thành lập tổ công tác đến tuyên truyền pháp luật cho bà con, quản lý những người phụ nữ đang có bầu hoặc có con nhỏ. Đồng thời, ngăn chặn sớm tình trạng kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ sang nước ngoài làm việc hoặc sinh con.
Sau hơn 3 năm hoạt động, mô hình phòng chống mua bán người tại xã Hữu Kiệm mang lại hiệu quả cao. Đến nay, trên địa bàn không còn xảy ra vụ việc liên quan đến mua bán người, bán bào thai.
Phương Anh