MỹNghiên cứu mới cho thấy bên cạnh tổn thương phổi, việc hút thuốc thường xuyên có thể gây tổn hại cho não, nguy cơ mắc các bệnh sa sút trí tuệ.
Nghiên cứu do các chuyên gia từ Trường Y thuộc Đại học Washington (WashUMed) thực hiện, công bố trên tạp chí Biological Psychiatry: Global Open Science, tháng 1/2024. Công trình giúp giải thích vì sao người lớn tuổi hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ khác cao hơn.
Họ đã phân tích kết quả quét não, tiền sử hút thuốc và nguy cơ di truyền của hơn 32.000 tình nguyện viên. Kết quả cho thấy người hút một gói thuốc mỗi ngày có khối lượng não thấp hơn so với những người chưa từng hút thuốc hoặc hút ít hơn 100 điếu. Với mỗi năm duy trì thói quen hút thuốc, độ teo não càng lớn.
“Người hút thuốc có nhiều khả năng bị suy giảm chất xám, chất trắng. Điều này giải thích tại sao 14% trường hợp mắc Alzheimer toàn cầu có thể do hút thuốc lá”, nghiên cứu nêu rõ.
Theo giáo sư Laura J. Bierut, tác giả nghiên cứu, trước đó các nhà khoa học đã bỏ qua tác động của việc hút thuốc đối với não. Họ thường tập trung vào các tác động lớn hơn của thói quen này đối với tim và phổi.
“Nhưng khi bắt đầu xem xét bộ não kỹ hơn, chúng tôi thấy rõ hút thuốc thực sự có hại cho não của bạn”, giáo sư Bierut nêu rõ.
Từ lâu, giới chuyên gia đã chỉ ra rằng lão hóa có liên quan đến việc giảm dần thể tích não. Nhiều nghiên cứu cho thấy hút thuốc làm tăng tốc quá trình đó. Giáo sư Bierut lưu ý kết quả mới rất quan trọng, đặc biệt với các quốc gia có dân số già.
Theo tiến sĩ Brett Osborn, trưởng bộ phận phẫu thuật thần kinh tại Trung tâm Y tế St. Mary, để có sức khỏe và nhận thức tốt khi già đi, mọi người nên tránh tiếp xúc với các loại độc tố từ rượu bia hoặc thuốc lá. Cả hai đều làm tăng sản xuất gốc tự do độc hại, còn được gọi là stress oxy hóa.
Khi một người hút thuốc, lớp lót mạch máu có thể bị các gốc tự do “bắn phá”, gây tổn thương tế bào. Điều này tác động đến tim, phổi và cả não.
Thục Linh (Theo NY Post, Daily Mail)