Hàm Thuận Nam hiện có trên 82.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó có hơn 66.000 người đang tham gia lao động chiếm 80,55%. Số lao động được phân bổ ở lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp trên 38.000 người, chiếm 58,1%; số còn lại thuộc các lĩnh vực khác…
Với kỹ thuật dùng điện thắp sáng kích thích cây thanh long cho quả trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều vùng đất ở huyện Hàm Thuận Nam vốn không có nước sản xuất đã chuyển sang trồng cây thanh long. Nhờ đó, diện tích loài cây trồng này tăng từ 341 ha năm 1995 lên 1.832 ha năm 2000. Để phát triển bền vững, huyện chỉ đạo triển khai chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, đến thời điểm này diện tích thanh long của huyện đạt 14.786 ha, trong đó có 6.470 thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, huyện cũng tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khi nhu cầu thực tế xuất hiện hàng loạt dịch vụ, công việc thu hút lao động liên quan đến trồng và chăm sóc vườn như làm cỏ, lặt búp, vuốt tai… Nhất là những khi thanh long có giá cao thì giá trị ngày công của các công việc trên rất cao. Vì vậy, nếu so sánh ngày công và tính chất công việc làm cùng những yêu cầu về độ tuổi… của các công ty hoạt động tại 2 Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1, Hàm Kiệm 2 thì người lao động chọn làm thuê từ các vườn thanh long.
Đó là lý do các công ty hoạt động trong 2 khu công nghiệp này đã và đang tuyển lao động từ các nơi khác như Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… mới đáp ứng đủ nhu cầu lao động. Lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam cho rằng, với sự ra đời và phát triển KCN Hàm Kiệm dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động cũng ngày một tăng. Chính vì vậy, thời gian qua, quá trình cạnh tranh người lao động giữa vùng chuyên canh thanh long và KCN đã và đang âm thầm diễn ra. Những lúc thanh long ế ẩm, lớp trẻ xin vào làm công nhân, khi thanh long có giá thì về nhà làm. Đây là bài toán mà lâu nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng KCN Hàm Kiệm 1, KCN Hàm Kiệm 2. Trong đó KCN Hàm Kiệm I sẽ triển khai các phần hạ tầng còn lại với tổng giá trị khoảng 21 tỷ đồng và dự kiến thu hút đầu tư với 15ha. Đối với KCN Hàm Kiệm II, sau khi đầu tư hoàn thành tất cả các hạng mục và lấp đầy diện tích KCN, dự kiến thu hút dự án đầu tư với diện tích cho thuê 30 ha.
Với mục tiêu trên, sắp tới các doanh nghiệp ở đây tiếp tục tuyển lao động. Và Hàm Thuận Nam sẽ tiếp tục là nơi thu hút lao động từ các nơi về làm việc tại các khu công nghiệp. Vì thế, việc 1 nhà đầu tư đã và đang xây dựng nhà ở xã hội kề bên các khu công nghiệp trên như 1 sự đón đầu, hướng đến an cư. Nhưng đồng thời cũng dự báo những khó khăn nảy sinh. Theo bà Mai Thị Ngọc Ảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp quản lý nhà nước về lao động, trong đó chú ý tổ chức đối thoại, gặp gỡ, tiếp xúc với người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động. Đồng thời, chỉ đạo, phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển…
Qua đó cho thấy, về mặt lao động, sau 40 năm thành lập và phát triển, huyện Hàm Thuận Nam đã nâng giá trị sức lao động của người dân trên địa bàn. Đồng thời, tạo cú hích để thu hút nguồn lao động ở nơi khác đến huyện sinh sống và làm việc, tạo sự cộng hưởng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhanh chóng…