Chương trình hỗ trợ người làm công tác giáo dục nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ AI, đặc biệt là AI tạo sinh, trong các hoạt động dạy và học.
Thông tin từ Trường Đại học RMIT Việt Nam cho biết trong tháng 11 và 12, đơn vị này vừa triển khai tập huấn miễn phí cho hơn 1.400 giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước về ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy và học.
Chương trình tập huấn do nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ cùng các đồng nghiệp tại Đại học RMIT Việt Nam đề xuất và thực hiện, được Chính phủ Australia tài trợ thông qua Quỹ hỗ trợ cựu sinh viên Australia do chương trình Aus4Skills quản lý.
Chương trình nhằm hỗ trợ người làm công tác giáo dục nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ AI, đặc biệt là AI tạo sinh, trong các hoạt động dạy và học.
Chương trình được triển khai trên cả nước thông qua hai phương thức riêng biệt nhưng bổ trợ cho nhau.
Chuỗi workshop trực tuyến thu hút hơn 800 người tham gia ngay trong buổi đầu tiên. Chương trình tập huấn trực tuyến được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt, gồm sáu chủ đề bao quát các khía cạnh quan trọng của việc tích hợp AI vào giáo dục, từ Khung năng lực AI của UNESCO cho giáo viên và học sinh đến việc ứng dụng AI cho các tác vụ dạy và học như lên kế hoạch bài dạy, thiết kế kiểm tra đánh giá, tạo nội dung đa phương tiện cho học tập sáng tạo và trợ lý chatbot AI để hỗ trợ giáo dục.
Các buổi sau của chuỗi workshop tiếp tục thu hút trung bình khoảng 600 người tham gia mỗi buổi, phản ánh sự quan tâm sâu sắc của các thầy cô giáo trên cả nước.
Ngoài các workshop trực tuyến, nhóm dự án còn tổ chức chương trình tập huấn trực tiếp kéo dài hai ngày tại các địa phương, thông qua sự phối hợp tổ chức với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận và thành phố Cần Thơ. Hơn 650 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cấp quận/huyện và trường học đã tham gia các buổi tập huấn trực tiếp này.
Chương trình còn mở rộng phạm vi ra ngoài các buổi tập huấn chính thức. Nhóm Facebook cộng đồng của dự án đã thu hút hơn 2.000 thành viên với mức độ tương tác cao, trở thành nền tảng sôi động để kết nối và trau dồi kiến thức liên tục.
Người tham gia nhóm có thể xem lại video và thảo luận về các buổi workshop đã diễn ra, cũng như chia sẻ sản phẩm đa phương tiện do chính họ tạo ra bằng các công cụ AI như ChatGPT, Suno, Canva và Gamma, để nhận đánh giá từ các thầy cô khác và chuyên gia của RMIT.
Giảng viên RMIT và trưởng nhóm dự án, Tiến sỹ Trần Đức Linh cho hay tiêu của dự án không chỉ là giới thiệu các công cụ AI cho các thầy cô giáo, mà còn tích hợp những công cụ này với các phương pháp sư phạm phù hợp. “Việc tích hợp như vậy sẽ trang bị cho các thầy cô những kỹ năng và kiến thức thiết yếu để tận dụng hiệu quả AI trong các hoạt động dạy và học, giúp các thầy cô thiết kế các trải nghiệm học tập hấp dẫn và hiệu quả hơn, đồng thời chuẩn bị cho người học thành công trong một tương lai được định hình bởi công nghệ,” Tiến sỹ Trần Đức Linh nói.
Là một trong các giáo viên tham gia chương trình, cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường Tiểu học Lạc Nghiệp (tỉnh Ninh Thuận) cho biết nội dung tập huấn đã giải quyết những thắc mắc, khó khăn mà cô từng gặp khi sử dụng các công cụ AI, giúp cô học được nhiều điều mới để có thể chuyển giao kiến thức cho các đồng nghiệp ở trường.
Chương trình tập huấn là một hoạt động ý nghĩa nhằm hỗ trợ các giáo viên nâng cao nghiệp vụ sư phạm, qua đó lan toả tình yêu tiếng Việt và văn hoá Việt Nam đến thế hệ trẻ xa xứ.
Đây cũng là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Liếng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ. Theo ông Liếng, đây là lớp tập huấn mà các thầy cô học tập sôi nổi và nghiêm túc nhất từ trước tới nay.
Chương trình tập huấn là kết quả hợp tác giữa Đại học RMIT Việt Nam, các cơ quan giáo dục địa phương và các cộng đồng giáo dục ở Việt Nam. Thông qua chương trình tập huấn miễn phí và dễ tiếp cận, sáng kiến này nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trong ngành giáo dục Việt Nam./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/hon-1400-giao-vien-duoc-tap-huan-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-day-hoc-post1003076.vnp