Sáng 15/1, Quốc hội khóa 15 khai mạc kỳ họp bất thường để xem xét một số vấn đề cấp bách, trong đó có dự thảo luật Đất đai sửa đổi.
Sau bốn lần xin lùi, dự thảo luật Đất đai sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 cuối năm 2022, dự kiến thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Tuy nhiên, sáng 22/11/2023, với 453/459 đại biểu có mặt đồng ý, Quốc hội đã thống nhất điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật từ kỳ họp 6 sang kỳ họp gần nhất.
Nguyên nhân là dự luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu. Việc rà soát, hoàn thiện dự thảo cũng cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật.
Dự thảo khi đó còn 14 vấn đề có hai phương án cần xin ý kiến Quốc hội. Trong đó vấn đề được chuyên gia, đại biểu Quốc hội góp ý nhiều nhất và liên tục phải chỉnh sửa qua các lần dự thảo là Nhà nước thu hồi đất, phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng.
Những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau còn có: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm; nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp; tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Quỹ phát triển đất; Tổ chức phát triển quỹ đất.
Tại thông cáo ngày 13/1, Tổng thư ký Quốc hội cho biết sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới nhất gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp 6. Dựa trên ý kiến thảo luận và qua rà soát, các cơ quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện 18 nội dung đề cập về các vấn đề lớn và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là dự luật rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trước mắt và lâu dài. Cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học nhiều vòng, nhiều lần; tổ chức lấy ý kiến nhân dân với 12 triệu lượt góp ý.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng 5 lần cho ý kiến chính thức. Chủ tịch, các phó chủ tịch Quốc hội cùng Thủ tướng và các phó thủ tướng cũng có nhiều buổi làm việc với các cơ quan về nội dung khác nhau của dự thảo. Đến nay, cơ bản dự luật đã được hoàn thiện, thể chế hóa, bao quát được tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, Hiến pháp và cương lĩnh của Đảng.
Trong ba ngày diễn ra kỳ họp bất thường, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trước đó, Quốc hội khóa 15 đã có bốn lần họp bất thường để giải quyết vấn đề cấp bách về nhân sự và quyết định một số nội dung quan trọng như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; thông qua luật Khám chữa bệnh sửa đổi…