Khi đang lái xe ba bánh gần nhà ngày 6/8/1945, cậu bé 4 tuổi Ito thấy một quả bom rơi xuống từ trên trời, thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi.
Sau vụ nổ cực lớn, Ito quay về nhà. Bố mẹ cậu đều sống sót nhưng nỗi kinh hoàng mới chỉ bắt đầu.
Anh trai 12 tuổi của Ito bị bỏng nặng và qua đời vài ngày sau đó. Chị gái 10 tuổi của Ito đang ở nhà họ hàng khi quả bom rơi xuống và ngôi nhà đã bị san phẳng.
“Những người sống sót rời khỏi tâm chấn vụ nổ hướng về vùng ngoại ô, nơi có nhà của chúng tôi. Họ bị bỏng nặng, đi lại khó khăn. Cha tôi mời họ ở lại nhà, nhưng mọi người lần lượt trút hơi thở cuối cùng”, ông Masao Ito, hiện 82 tuổi, nhớ lại.
Giữa cái nóng tháng 8, các thi thể cần được an táng nhưng không có nghĩa trang. “Mọi người chuyển họ đến nơi rộng rãi, xếp chồng thi hài lên nhau mà không có quan tài, đổ dầu lên trên để hỏa táng họ”, ông kể.
Trong gần 8 thập kỷ sau, ông Ito không thường xuyên nhắc đến cảnh tượng này, nhưng cho biết các ký ức vẫn còn nguyên vẹn. “Mùi tử khí thật kinh khủng. Đó là cảnh mà tôi thực sự ước mình có thể quên”, ông nói.
Vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima khiến 140.000 người ở thành phố phía tây Nhật Bản thiệt mạng, dẫn đến kết thúc Thế chiến II.
Cha ông Ito sau đó cũng qua đời vì nhiễm phóng xạ. Công việc kinh doanh của gia đình bị phá sản, ông cùng mẹ phải rời Hiroshima để trốn nợ.
Ito phải nằm viện một năm để điều trị bệnh lao. Khi nhận một gói hỗ trợ y tế của Mỹ gồm thuốc và một cuốn Kinh thánh, ông giận đến mức “ném cuốn sách vào tường” khi đọc dòng “hãy yêu kẻ thù của bạn”. “Kẻ thù của tôi là người Mỹ. Tại sao tôi phải yêu nước Mỹ?”, ông nhớ lại suy nghĩ của mình.
Hiện không còn nhiều nhân chứng còn sống như ông Ito. Sau khi nghỉ hưu công việc tại ngân hàng, ông dành hai thập kỷ làm hướng dẫn viên tình nguyện cho các đài tưởng niệm và bảo tàng hòa bình ở Hiroshima. Ông cũng là một nhà vận động chống hạt nhân.
Khi bắt đầu làm hướng dẫn viên, ông khó chịu với những dòng chữ trên bia tưởng niệm: “Hãy để tất cả những linh hồn ở đây được yên nghỉ, vì tội ác này sẽ không lặp lại”. “Tôi cảm thấy mình nên hứa sẽ trả thù cho những người đã khuất để họ có thể yên nghỉ”, ông nói.
Nhưng theo thời gian, ông dần thay đổi và “bắt đầu hiểu ý nghĩa của dòng chữ trong Kinh thánh”, khi tiếp xúc với những người Mỹ suy sụp bởi những gì xảy ra tại Hiroshima.
Ngày 19/5, các lãnh đạo G7 sẽ đến Hiroshima tham gia hội nghị thượng đỉnh. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự định chào đón các lãnh đạo tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình, công trình tưởng niệm nạn nhân vụ ném bom nguyên tử, vào ngày khai mạc.
Ông Kishida đồng thời là nghị sĩ đại diện cho Hiroshima. Thủ tướng Nhật bày tỏ hy vọng chuyến thăm Công viên Tưởng niệm Hòa bình vào ngày đầu tiên của hội nghị sẽ thúc đẩy nhận thức sâu sắc hơn về sự tàn phá của bom nguyên tử, cũng như góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “một thế giới không vũ khí hạt nhân”.
Ông Masao Ito nói một thế giới không vũ khí hạt nhân dường như là không tưởng, song tin rằng hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Hiroshima có thể gửi những thông điệp mạnh mẽ đến các lãnh đạo thế giới. Các lãnh đạo G7 cũng dự kiến gặp gỡ những người sống sót sau thảm kịch năm 1945.
Ông Ito dự định sẽ bày tỏ với các lãnh đạo G7 về “sự cám dỗ khi có trong tay vũ khí hạt nhân”. “Sẽ tốt hơn nếu không có chúng. Chừng nào còn vũ khí hạt nhân trên thế giới, thành phố nơi bạn ở cũng có khả năng giống như Hiroshima”.
Trong thời gian làm hướng dẫn viên, các đoàn khách du lịch mà ông Ito phụ trách có nhiều sinh viên, nhóm mà ông cho là có “vai trò đặc biệt quan trọng”.
“Tôi không thể tiếp tục đấu tranh được mãi. Giờ đến lượt của các bạn sinh viên thay phần tôi thực hiện mục tiêu này”, ông nói.
Đức Trung (Theo AFP)