GĐXH – Cố gắng lấy xương cá bị hóc, người đàn ông 69 tuổi ở Hải Dương đã phải nhập viện với chẩn đoán phù nề hạ họng, thanh quản.
Bị phù nề hạ họng, thanh quản vì hóc xương cá
Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) thông tin, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho trường hợp bị hóc xương cá dẫn đến phù nề hạ họng, thanh quản. Cụ thể, trong lúc ăn cơm, người đàn ông N.Đ.C. 69 tuổi (Kinh Môn – Hải Dương) bị hóc xương cá, cảm giác đau và vướng khi nuốt nước bọt.
Thay vì đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ lấy dị vật, người bệnh đã cố gắng móc dị vật nhưng không được. Cảm giác đau ở cổ ngày càng tăng, sưng to và khó thở nên người bệnh được người nhà đưa đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành nội soi lấy dị vật là mảnh xương cá cho người bệnh.
Theo BSCKI. Nguyễn Thanh Huyền – Phó Trưởng khoa Tai mũi họng bệnh viện cho biết, nhiều người khi bị hóc xương cá thường dùng tay để móc họng hoặc dùng mẹo như nuốt cơm nóng, uống nước… Tuy nhiên, cách làm này rất nguy hiểm, dễ khiến xương cá trôi sâu hơn hoặc làm tổn thương, gây thủng thực quản.
Vì vậy, BSCKI. Nguyễn Thanh Huyền đưa ra lời khuyên, nếu không may bị hóc xương cá hoặc các dị vật khác, không nên cố nuốt, chú ý không móc họng vì sẽ gây nôn nhiều, có thể gây phù nề hoặc khiến khó thở. Thay vào đó hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và có hướng xử trí kịp thời.
Hóc xương cá có nguy hiểm không?
Theo nhiều nguồn khảo sát, tỷ lệ hóc xương cá khi đang ăn khá cao. Nếu may mắn chỉ vướng phải một mảnh xương cá nhỏ thì có thể xương sẽ biến mất chỉ sau vài giờ, chậm nhất là 1 – 2 ngày. Ngược lại, trong trường hợp kích thước xương bị hóc khá lớn thì sẽ không thể tự lành được. Khi đó, xương cá đã cắm vào bên trong và gây tổn thương một phần vùng cổ họng.
Nếu xương cá to, vị trí hóc xương rất quan trọng. Điều này là do cấu trúc cứng và các cạnh sắc của xương có thể gây tổn thương họng. Lúc này, các hoạt động ở họng như nuốt nước bọt có thể khiến xương dính chặt vào họng. Nguy hiểm hơn nữa, xương cá có thể đâm thủng thành thực quản. Thông thường, tỷ lệ người bị hóc xương cá lớn có thể đưa xương từ họng xuống dạ dày là rất thấp. Nguyên nhân là do cấu trúc của xương cá thường dài và cứng. Vì vậy, khi nuốt nhầm xương sẽ chắn ngang cổ họng.
Nếu chẳng may mảnh xương cá mắc kẹt ở thực quản. Sau đó, đi vào phế quản hoặc xuyên qua thành động mạch và không thể tự phân hủy. Vị trí xương cá đâm vào sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Điều này gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng như: Nhiễm trùng huyết; Nhiễm trùng đường hô hấp dưới; Áp xe trên thành họng, vòm họng, amidan; Áp xe thực quản, phế quản và phổi; Viêm phổi cấp tính.
Nếu xương cá nằm sâu trong thực quản và không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Khó thở, thở khò khè; Cơn đau sau khi bị gai xương tăng dần và không biến mất sau vài ngày; Đau ngực; Sưng cổ; Chảy nước miếng nhiều; Không thể ăn uống.
Cần làm gì ngay sau khi bị hóc xương cá?
Nếu bị hóc xương cá, biết cách xử lý sẽ giúp lấy xương ra khỏi cổ họng an toàn và hiệu quả. Ngược lại, chỉ cần một thao tác sai cũng có thể khiến bệnh nhân gặp rủi ro nghiêm trọng. Dưới đây là một số lưu ý cho người bị hóc xương cá nên thực hiện:
– Ngừng ăn uống ngay khi phát hiện bị hóc xương cá gây đau nhức, khó chịu.
– Nhổ thức ăn còn trong miệng ra, không nuốt thêm thứ gì khác.
– Không tự ý thực hiện các phương pháp truyền miệng khi chưa xác định được tình hình cụ thể.
Nếu người bệnh nhận thấy xương cá không thể xử lý tại nhà thì nên đến ngay bệnh viện để được hỗ trợ điều trị bằng dụng cụ chuyên dụng. Trên thực tế, đến bệnh viện là điều tốt nhất nên làm sau bị hóc xương. Đối với một số xương cá bị kẹt quá sâu, bác sĩ sẽ dùng ống soi thanh quản để loại bỏ xương cá.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/hoc-xuong-ca-nguoi-dan-ong-69-tuoi-o-hai-duong-phai-nhap-vien-vi-co-lam-dieu-nay-172241216145616367.htm