Theo người bệnh kể, khoảng 1 tháng trước khi vào viện, chị có cảm giác nuốt phải xương nhưng cố nuốt xuống. Sau đó, xuất hiện tình trạng đau bụng và đi khám ở phòng khám tư nhân được chẩn đoán đau dạ dày, được kê đơn thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc tình trạng bệnh không đỡ, cơn đau bụng ngày càng tăng, nên chị đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu.
Khi vào viện được các bác sĩ thăm khám, cho làm các xét nghiệm, siêu âm và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có tiêm thuốc cản quang, các bác sĩ đã phát hiện dị vật đâm thủng ruột dạ dày. Sau khi hội chẩn bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
BSCKII Dương Xuân Hiệp cho biết, tình trạng bệnh nhân bị xương cá đâm thủng dạ dày, ruột non không phải là tình trạng hiếm gặp. Xương cá có đầu sắc nhọn rất nguy hiểm khi đi vào ống tiêu hóa. Thế nhưng nhiều người vẫn chưa thật sự cảnh giác trong khi ăn uống. Đầu tiên có thể chỉ là hóc xương ở họng, sau có thể bị đâm thủng thành cơ quan tiêu hóa như trường hợp nêu trên. Nếu không kịp phát hiện sẽ dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng.
Qua trường hợp bệnh trên, bác sĩ Hiệp khuyến cáo người dân nên cẩn thận trong quá trình ăn uống, đặc biệt là với thực phẩm động vật có xương như thịt, cá. Loại bỏ tất cả xương trước khi ăn, với các xương giòn, nhỏ cũng cần nhai kỹ, chậm rãi, không nên chủ quan với các xương dù nhỏ.
Đặc biệt với người già và trẻ nhỏ, phản xạ nhai nuốt kém hơn cần đặc biệt cẩn trọng. Khi rơi vào các trường hợp như đau bụng âm ỉ kéo dài không giảm, hay bất cứ trường hợp đau bụng bất thường nào, người bệnh nên đến bệnh viện cấp cứu để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.
Lê Trang