Sáng 18.5, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) tổ chức lễ kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2023) đồng thời tuyên dương gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ buổi lễ, lãnh đạo nhà trường và Sở GD-ĐT TP.HCM cũng khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường.
Học sinh cùng tham gia xây dựng
Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt tại phòng chi bộ, thư viện và đăng tải trên mạng. Qua hơn 5 tháng thực hiện, không gian không chỉ tái hiện cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những hình ảnh, nội dung trực quan, mà còn trưng bày nhiều sản phẩm, tài liệu về Người. Đây cũng là công trình chào mừng 110 năm thành lập trường Áo Tím-Gia Long-Minh Khai.
Một dấu ấn của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, theo bà Chương, là sự tham gia của học sinh. Cụ thể, nhà trường đã tạo điều kiện cho học sinh tư duy sáng tạo, thể hiện năng khiếu để đóng góp những sản phẩm ấn tượng như website, infographic, tập san, mô hình di tích Bến Nhà Rồng và nhà sàn Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch. “Thời gian tới, tôi hy vọng các em sẽ tiếp tục tìm tòi, bổ sung tư liệu thường xuyên để không gian ngày càng phong phú và đa dạng”, bà Chương nói.
Sau khi khánh thành, nữ hiệu trưởng cho biết phòng văn hóa sẽ mở cửa thường xuyên để giáo viên, học sinh đến tham quan, đọc sách, cũng như tổ chức các hoạt động nhóm, sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa tìm hiểu về cuộc đời cách mạng của Bác. “Trong khi đó, thư viện sẽ là nơi diễn ra các tiết học liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chương trình giảng dạy”, bà Chương chia sẻ thêm.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định công tác triển khai, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong nhà trường không đặt nặng yếu tố vật lý như phòng phải lớn bao nhiêu, hay có nhiều sách vở thế nào. Quan trọng nhất, theo ông Hiếu, là cách thầy và trò triển khai học tập tấm gương của Bác.
Vì lẽ đó, trước sáng kiến tạo điều kiện cho học sinh cùng tham gia xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, ông Hiếu đánh giá cao và “nhiệt liệt biểu dương tinh thần sáng tạo của tập thể thầy cô và học sinh”. “Tôi tin rằng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và các trường khác sẽ gắn kết với nhau, từ đó tạo nên một thành phố học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Hiếu nói.
Tận dụng yếu tố công nghệ
Phối hợp cùng học sinh thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thầy Nguyễn Văn Ba, Trợ lý thanh niên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho hay nội dung tư liệu sẽ được cán bộ, giáo viên phụ trách biên soạn. Sau đó, học sinh sẽ đảm nhận “gia công”, minh họa thành sản phẩm bắt mắt theo nhiều hình thức khác nhau. “Điều này vừa rèn giũa kỹ năng công nghệ thông tin, vừa ‘nâng cấp’ tư duy tổng hợp cho các em và gia tăng hiểu biết của học sinh về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thầy Ba nhìn nhận.
Trong số những học sinh tham gia thực hiện có Trương Ngô Gia Bảo, lớp 10A6 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường, Bảo cho hay em được truyền cảm hứng từ những câu chuyện chuyển đổi số nên mong muốn “số hóa” Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để thêm nhiều học sinh có thể truy cập, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác một cách mới mẻ, sinh động.
Để hiện thực hóa ý tưởng, Bảo nói em phải tự học những ngôn ngữ lập trình khác nhau như JavaScript, HTML, CCS… cũng như tìm thêm các kiến thức liên quan để biết cách lập trình và xuất bản trang web, đồng thời thêm nội dung, chèn hiệu ứng. “Quá trình này tạo cơ hội để em được thực hành kỹ năng, cũng như giúp em củng cố kiến thức lịch sử, đồng thời có cảm hứng hiểu sâu và rõ hơn về Bác”, nam sinh bộc bạch.
Như bảo tàng thu nhỏ
Sau khi tham quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Lê Hoàng Quốc Khang, lớp 11A13 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, đánh giá phòng trưng bày giống một bảo tàng thu nhỏ với âm thanh, ánh sáng “rất ấm cúng”. “Tại đây, em có thể tiếp cận những tư liệu quý giá và chính xác nhất về Bác chứ không còn phải ‘hoa mắt’ tra thông tin trên mạng. Không gian cũng trưng bày nhiều câu chuyện đời thường của Bác để em hiểu thêm đức tính giản dị của Người”, nam sinh bộc bạch.
Khang cũng khẳng định việc học tập tại những không gian này sẽ giúp em hứng thú hơn nhiều so với ngồi tiếp thu trên lớp, không chỉ bởi nguồn tư liệu phong phú mà còn nằm ở không khí như “sống lại thời hào hùng” và cơ hội chủ động tìm hiểu những tư liệu mình quan tâm. Nam sinh ví von cách học này tương tự như trải nghiệm kiến thức thực tế ở những phòng bộ môn sinh học, hóa học.