Nhiều học sinh muốn chỉ thi 3 môn bắt buộc để đỡ áp lực, dành thời gian cho môn sẽ dùng xét tuyển đại học.
2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) thi tốt nghiệp. Cuối tháng 8, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành khảo sát ý kiến giáo viên, lãnh đạo trường THPT về phương án thi tốt nghiệp từ năm này.
Với phương án 1, học sinh thi bốn môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử; hai môn tự chọn từ các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; hai môn tự chọn trong số các môn đã học (gồm Lịch sử).
Sự khác biệt giữa hai phương án này chỉ là có hay không đưa Lịch sử thành môn thi bắt buộc.
Đến tháng 9/2023, học sinh chưa phải nhóm được khảo sát về phương án thi, nên hầu hết chưa được thầy cô, nhà trường phổ biến thông tin về hai phương án trên. Đa số biết thông tin qua mạng xã hội hoặc người quen.
Nguyễn Nhật Lâm, lớp 11 trường THPT Tam Phú, TP HCM, nói khoảng một tuần trước tình cờ thấy một diễn đàn chia sẻ về hai phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Định hướng thi tốt nghiệp tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), Lâm không có thế mạnh học các môn xã hội. Do đó, nam sinh cho biết nếu được chọn, em muốn chỉ thi bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ.
“Bớt một môn bắt buộc thì đỡ áp lực, có thời gian ôn các môn khác kỹ hơn”, Lâm nói.
Tương tự, Lê Quốc Huy, lớp 11, trường THPT C Phủ Lý, Hà Nam, cũng “bỏ phiếu” cho phương án không bắt buộc thi Lịch sử. Nam sinh cho biết đang cân nhắc dùng một trong hai tổ hợp A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh) và D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh) để xét tuyển đại học. Do đó, em sẽ chọn thi thêm hai môn này, bên cạnh những môn bắt buộc.
“Nếu được chọn, em muốn giảm số môn nhiều nhất có thể”, Huy nói.
Trên nhiều diễn đàn học sinh, chủ đề về số môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng được đưa ra bàn luận, thu hút hàng nghìn ý kiến. Không chỉ học sinh theo các tổ hợp tự nhiên, nhiều em chuyên Sử hoặc học tốt môn này cũng mong giảm môn thi bắt buộc.
Hoàng Trà My, lớp 11 chuyên Sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, cho rằng Lịch sử là môn quan trọng, nhưng không nhất thiết bắt buộc thi tốt nghiệp THPT. “Nếu chỉ học để thi tốt nghiệp, các bạn cũng học nhồi nhét ngắn hạn rồi quên thôi”, My nói.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu Lịch sử là môn bắt buộc, học sinh theo tổ hợp xã hội sẽ có lợi nhưng My thấy “không hẳn như vậy”. Định hướng xét tuyển vào Học viện Ngoại giao bằng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), My nói nếu thi ba môn bắt buộc Toán, Văn và Ngoại ngữ, em chỉ cần chọn thi thêm Lịch sử và Địa lý.
Nhưng nếu thi bốn môn bắt buộc, My sẽ phải thi thêm một môn tự chọn nữa. Do đó, nữ sinh nhìn nhận việc đưa Lịch sử thành môn bắt buộc ảnh hưởng tới số môn thi của tất cả học sinh, không ai lợi hơn ai.
Dù vậy cũng có học sinh cho rằng thi bắt buộc môn Sử là cần thiết.
Dương Gia Bình, lớp 11 trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang, e ngại học sinh không học Lịch sử, nếu đây không phải môn thi. Theo Bình, ngay cả khi cách học và dạy Lịch sử có phần thay đổi, được tăng cường thuyết trình, làm việc nhóm, nhiều bạn bè của em vẫn không yêu thích môn này. Vì vậy, nếu không bắt buộc thi, tình trạng bỏ bê môn học sẽ nhiều hơn.
An Nhiên, lớp 11 chuyên Sử – Địa, trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi, cho rằng phương án thi bốn môn bắt buộc có phần nặng nề hơn nhưng “cần thiết và hợp lý”. Theo Nhiên, Lịch sử đã trở thành môn học bắt buộc trong chương trình THPT nên học sinh cần chủ động, nghiêm túc khi học môn này.
“Hỏi ý nghĩa những ngày lễ quan trọng mà nhiều bạn cũng không biết. Một số bạn coi thường môn Sử, nếu không bắt buộc thi, các bạn chỉ học để đối phó”, Nhiên nói.
Theo khảo sát của VnExpress, trong hơn 9.800 người cho ý kiến, 60% chọn thi bốn môn bắt buộc, 40% muốn thi ba môn.
Với các giáo viên, chuyện thi ba hay bốn môn bắt buộc cũng có nhiều quan điểm trái chiều.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng THPT Việt Đức, Hà Nội, nhìn nhận phương án thi bốn môn bắt buộc hợp lý hơn bởi Lịch sử là môn học bắt buộc theo chương trình mới. Điều quan trọng là đề thi được ra theo hướng mở, giảm phần học thuộc con số một cách máy móc.
Nhưng TS Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên dạy Sử, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, lại cho rằng sợ học sinh bỏ bê nếu không thi là cách đặt vấn đề không đúng. Thay vào đó, giáo viên cần thay đổi phương pháp để học sinh thật sự mong muốn học và thi Lịch sử. Như thế, dù không ép, học sinh vẫn chọn môn này.
Đổi mới cách học Sử cũng là điều Gia Bình ở Bắc Giang kỳ vọng. Bình nhìn nhận so với khi em học cấp 2, cách dạy môn Sử hiện phong phú hơn với các buổi thuyết trình xen kẽ. Dù vậy, nam sinh vẫn muốn có nhiều hơn hoạt động, trải nghiệm thực tế.
Tương tự, Đinh Nguyễn Thanh Bình, lớp 11 trường THPT Xa La – Hà Đông, Hà Nội, cho biết từ khi vào cấp ba, em học tốt Lịch sử hơn hẳn nhờ các bài học với máy chiếu, các loại bản đồ, học cụ đa dạng, thay vì “học chay với sách giáo khoa như trước”.
“Em nghĩ trường có thể tổ chức các buổi tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, kết hợp cho học sinh đóng kịch, tiểu phẩm. Học như vậy sẽ vui và dễ nhớ hơn”, nam sinh nói.
Dù phương án thi tốt nghiệp nào được chọn, các học sinh nói “cũng không quá đáng sợ”. Lý do là các trường đại học có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, không phụ thuộc hoàn toàn kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Dù chưa xác định học ngành gì, Quốc Huy ở Hà Nam đang cày IELTS với mục tiêu đạt 6.5 sau một năm. Ngoài ra, nam sinh định dùng học bạ để xét tuyển vì nhận thấy “điểm các môn theo tổ hợp A01, D07 của mình không quá tệ”.
“Em đang chuẩn bị các điều kiện cần để hai năm tới khi xét tuyển đại học có nhiều lựa chọn nhất có thể”, Huy nói.
Nhật Lâm ở TP HCM cũng đang học IELTS, dự kiến xét học bạ và tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM. Lâm đặt mục tiêu đạt 7.5 IELTS, dự kiến thi các ngành liên quan Hóa Sinh của trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch và Đại học Quốc gia TP HCM.
Về số môn thi tốt nghiệp THPT, Lâm nói “được giảm thì tốt, không cũng không sao” bởi nếu chỉ đặt mục tiêu qua môn thi tốt nghiệp thì khá dễ dàng.
“Có thi thêm Lịch sử hay không, kế hoạch xét tuyển đại học của em cũng không quá xáo trộn hay ảnh hưởng lớn”, Lâm nói.
Thanh Hằng – Lệ Nguyễn