AustraliaTối thứ ba hằng tuần, quán rượu PJs ở trung tâm thủ đô Canberra trở thành nơi tụ họp của những người học ngôn ngữ, mà đa số họ đều biết ba thứ tiếng trở lên.
Câu lạc bộ Trao đổi ngôn ngữ đã hoạt động 6 năm nay và rất dễ để nhận ra, chủ yếu nhờ vào những chiếc bàn được trang trí bằng cờ của các quốc gia và chồng sách dán hình những lá cờ.
Trong không gian, bạn có thể nghe thấy nhiều thứ tiếng như tiếng Pháp, Quan Thoại, Ba Tư, Arabic, Hindi, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Hungary.
Quy tắc tham gia rất đơn giản. Người tham gia sẽ dán hình lá cờ tương đương với tiếng mẹ đẻ của mình ở trên cùng, phía dưới là những thứ tiếng họ đang học. Sau đó, họ chỉ cần tìm những người có nhãn dán tương tự và bắt đầu cuộc trò chuyện.
Phần lớn các thành viên đều nói ít nhất ba thứ tiếng. Đây cũng là điểm đến lý tưởng để những người di cư thực hành tiếng Anh. Sau nhiều năm, các cuộc trò chuyện dần tạo nên tình bạn, thậm chí một số người còn kết hôn với nhau.
Daniel White, người sáng lập câu lạc bộ, cho biết anh thực hiện ý tưởng này sau khi gặp khó trong việc tìm chỗ thực hành ngoại ngữ ở Canberra. Lúc đó, anh đang học đồng thời hai ngoại ngữ là tiếng Pháp và Arabic.
“Mọi câu lạc bộ ngoại ngữ đều chỉ tập trung vào một thứ tiếng. Rất khó để tập hợp và luyện nói nhiều thứ tiếng cùng một nơi”, Daniel nói, thêm rằng việc có thể sử dụng nhiều ngoại ngữ luôn là trải nghiệm thú vị.
Hiện, Daniel nói được sáu ngôn ngữ gồm tiếng Anh, Pháp, Arabic, Hindi và Tây Ban Nha. Anh cũng tin rằng học ngoại ngữ không đơn thuần là để dịch thuật, mà còn để hiểu thêm về phong cách và những tương tác văn hóa khác nhau.
“Những người sử dụng ngoại ngữ thật sự thể hiện bản thân theo cách hoàn toàn khác”, anh nói.
Carrie Liao, du học sinh Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia, là khách quen của hoạt động trao đổi ngôn ngữ này. Lần đầu tiên đến Australia du học, cô cảm thấy rất khó để luyện tiếng Anh vì phần lớn bạn học đều là người Trung Quốc. Carrie biết đến Trao đổi ngôn ngữ nhờ một giảng viên gợi ý.
“Giờ, tôi có bạn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… Mặc dù một số người đã trở lại quê nhà, nhưng thật tốt khi có những người bạn như vậy”, cô chia sẻ.
Không chỉ là người học, Carrie còn giúp những người bạn khác luyện tiếng Quan Thoại, ngôn ngữ mẹ đẻ của cô.
“Tôi đã gặp một người bạn muốn học tiếng Quan Thoại, nên tôi dạy anh ấy tiếng Quan Thoại và anh ấy dạy tôi tiếng Anh”, Carrie nói, thêm rằng thật tốt khi có thể nói ngôn ngữ của mình và chia sẻ về văn hóa Trung Quốc.
Học ngôn ngữ thông qua các nhóm xã hội mang lại nhiều lợi ích.
Daniel, người sáng lập câu lạc bộ, cho rằng tiếng ồn của quán rượu giúp tạo môi trường thực tế hơn để thực hành ngoại ngữ so với lớp học. Khi mỗi người đều phải tập trung lắng nghe những gì người kia đang nói, họ rèn luyện được cả sự tập trung.
Còn theo Eleni Petraki, Phó giáo sư Ngôn ngữ học ứng dụng, điều quan trọng là người học ngoại ngữ phải bước ra khỏi lớp học và luyện tập ở những môi trường thoải mái hơn. Như vậy, người học mới có cơ hội thực hành ngôn ngữ về các chủ đề và bối cảnh mà họ không thể có được trong lớp học.
“Điều này giúp người học bớt căng thẳng khi sử dụng ngôn ngữ, ví dụ như suy nghĩ rằng họ cần phải thật hoàn hảo và không mắc lỗi trong lớp học. Nó cũng mang đến tương tác thực tế và cơ hội kết giao bạn bè”, Eleni đánh giá.
Bà cũng chia sẻ mình là người đam mê ngôn ngữ và muốn thấy những hoạt động trao đổi ngôn ngữ như vậy được nhân rộng ở đất nước Australia đa văn hóa.
“Trong thời đại ngày nay, chúng ta cần tích cực học ngôn ngữ hơn. Nó làm phong phú thêm đời sống và sự hiểu biết của chúng ta về các nền văn hóa khác”, bà nói.
Phương Anh (Theo ABC News)