Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành liên quan tới lưu trữ, vận chuyển hàng hóa. Tân cử nhân có thể kiếm 10-15 triệu đồng một tháng, sau 5 năm có thể 20-30 triệu.
Trong 3-5 năm gần đây, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng luôn là ngành hot ở nhiều trường đại học, khiến điểm chuẩn tăng liên tục.
Chẳng hạn, ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, năm 2018, ngành này tại trường Đại học Kinh tế quốc dân lấy điểm chuẩn 23,85, tới 2019 tăng lên 26 và từ 2020 đến nay đều không dưới 28. Tương tự, trong khoảng thời gian này, trường Đại học Điện lực tăng điểm chuẩn ngành Logistics từ 14 lên 23,5; Tài nguyên và Môi trường Hà Nội từ 16 lên 26,75 (năm 2020-2022); Thương mại tăng từ 23,4 lên 27 điểm.
Nhiều trường cũng bổ sung ngành này vào chương trình đào tạo, như trường Đại học Kinh tế TP HCM, Kinh tế (Đại học Huế), Giao thông vận tải, Công nghiệp Hà Nội (mở ngành năm 2020), Văn Lang (2021), Xây dựng Hà Nội, Đại Nam, Quy Nhơn (2022)…
Theo các chuyên gia, điều này bắt nguồn từ nhu cầu nhân lực với ngành này ngày càng tăng. Tháng 2/2022, FAST500 – Bảng xếp hạng top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, được thực hiện bởi Vietnam report – cho thấy các doanh nghiệp Logistics đứng thứ hai, chỉ sau Công nghệ thông tin.
Dự báo năm 2022 của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam cho biết đến năm 2030, Việt Nam cần thêm 2,2 triệu lao động trong ngành Logistics, 10% trong đó là nhân lực chất lượng cao, có trình độ ngoại ngữ. Trong khi đó mỗi năm, chỉ khoảng 2.500 cử nhân ngành này tốt nghiệp.
Xem điểm chuẩn ngành Logistics những năm gần đây
Khái niệm
TS Trần Ngọc Mai, khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng, cho biết thuật ngữ “logistics” đã xuất hiện từ lâu. Đây là một phần của chuỗi cung ứng, liên quan đến việc lưu trữ, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ.
“Hiểu khái quát, logistics là khâu trung gian để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Còn quản lý chuỗi cung ứng là một bức tranh lớn, liên kết quy trình kinh doanh của các công ty, gồm sự hợp tác giữa các nhà cung cấp, đối tác, nhà sản xuất, nhà bán buôn, bán lẻ và khách hàng”, bà Mai nói.
Chương trình học
Chương trình đào tạo cụ thể sẽ khác nhau giữa từng trường đại học, nhưng một số học phần chính mà hầu hết sinh viên được tiếp cận.
Chẳng hạn Học viện Ngân hàng sẽ đào tạo một số môn học gồm Kinh doanh Logistics, Nguyên lý Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản lý kho hàng và phân phối, Quản lý mua hàng toàn cầu…
Trường Đại học Ngoại thương xây dựng chương trình chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng theo định hướng quốc tế, dựa trên chương trình của các đại học tại Mỹ, Anh, Australia, mô hình tích hợp đào tạo của Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận quốc tế (FIATA). Ngoài kiến thức, sinh viên ngành này sẽ được tiếp cận và giải quyết các vấn đề liên quan Logistics và quản lý chuỗi cung ứng nói riêng, kinh doanh quốc tế nói chung; tham gia các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Kỹ năng, chuẩn đầu ra
TS Trần Ngọc Mai cho biết để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về việc vận chuyển và lưu trữ hàng hóa, nắm chắc kiến thức về quản lý, phân tích và dự báo thị trường.
Còn chương trình của trường Đại học Ngoại thương giúp sinh viên có kỹ năng tổng hợp, phân tích, xây dựng và triển khai các dự án, kế hoạch trong lĩnh vực Logistics và quản lý chuỗi cung cứng; xử lý tình huống, quản trị sự thay đổi…
Việc làm sau tốt nghiệp
Một số vị trí việc làm phổ biến với cử nhân ngành Logistics là chuyên viên lập kế hoạch, vận hành, điều phối và quản lý chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp và tập đoàn sản xuất trong và ngoài nước; chuyên viên quản lý mua hàng, quản lý và điều phối vận tải, quản lý kho vận và tồn kho, phân tích dữ liệu và điều phối hệ thống phân phối tại các công ty giao nhận, logistics trong nước và quốc tế; chuyên viên tại mảng kế hoạch, khai thác thị trường, marketing, xuất nhập khẩu, dịch vụ khách hàng tại các công ty xuất nhập khẩu; chuyên viên quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng…
Trong các vị trí quản lý, chuyên gia về Logitstics sẽ chịu trách nhiệm điều hành và giám sát các hoạt động hàng ngày, trong khi những người phân tích sẽ tập trung vào nghiên cứu và cải tiến hiệu suất chuỗi cung ứng.
Người có chuyên môn trong lĩnh vực này có thể nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học và cơ sở giáo dục.
Thu nhập
Theo TS Mai, nhân sự ngành Logistics được phân chia theo nhiều cấp bậc, có thu nhập tốt hơn mặt bằng chung. Mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng thường nằm trong khoảng 10-15 triệu đồng mỗi tháng. Sau khoảng 5 năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, mức lương có thể tăng lên, thường nằm trong khoảng 20-30 triệu đồng.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức lương trung bình và có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như kỹ năng, kinh nghiệm, hiệu suất làm việc.
Thanh Hằng – Dương Tâm