Tháng 3/1975, khi Vua Faisal gọi Hoàng tử Faisal bin Musaid lại gần, ông không ngờ cháu trai giấu trong người một khẩu súng.
Ngày 25/3/1975, tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Riyadh, Vua Faisal, 68 tuổi, họp với Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait. Hoàng tử Faisal bin Musaid, 31 tuổi, cháu trai nhà vua, ngồi tại phòng bên cạnh và trò chuyện cùng thành viên phái đoàn Kuwait chờ diện kiến.
Sau khi cuộc họp kết thúc, Hoàng tử Faisal bin Musaid tiến đến ôm bác. Vua Faisal cúi người hôn lên đầu cháu trai theo phong tục của Arab Saudi. Ngay lúc đó, Hoàng tử rút súng và bắn Vua Faisal. Phát đầu tiên trúng cằm và phát thứ hai xuyên qua tai Vua Faisal, trước khi Hoàng tử bị cận vệ dùng kiếm đâm và khống chế.
Vua Faisal nhanh chóng được đưa tới bệnh viện, nhưng qua đời ngay sau đó. Ngày 26/3/1975, Vua Faisal được an táng tại nghĩa trang Al Oud ở thủ đô Riyadh. Em trai cùng cha khác mẹ của ông, Thái tử Khalid, trở thành người kế nhiệm.
Faisal bin Abdulaziz Al Saud, sinh ngày 14/4/1906, là con trai thứ ba của Vua Abdulaziz, nhà sáng lập đất nước Arab Saudi hiện đại. Ông lên ngôi vào năm 1964, thực hiện nhiều chính sách hiện đại hóa và cải cách đất nước. Dù những cải cách vấp phải một số tranh cãi, triều đại của ông được nhiều người Arab Saudi yêu mến.
Hoàng tử Faisal bin Musaid bị bắt sau vụ ám sát. Faisal bin Musaid, sinh ngày 4/4/1944 ở Riyadh, là con trai của Musaid bin Abdulaziz, người con thứ 12 của Vua Abdulaziz và là em cùng cha khác mẹ của Vua Faisal.
Hoàng tử Faisal bin Musaid sang Mỹ du học vào năm 1966. Anh học hai kỳ tiếng Anh tại Đại học San Francisco, sau đó chuyển sang Đại học California ở Berkeley và Đại học Colorado Boulder trước khi lấy bằng cử nhân khoa học chính trị vào năm 1971.
Bạn học mô tả anh “trầm tính, dễ mến nhưng không chăm học”. Giáo sư Edward Rozek tại Đại học Colorado Boulder cho biết anh có kết quả học tập không tốt.
Năm 1969, khi đang ở Boulder, Faisal bin Musaid bị bắt với cáo buộc âm mưu bán thuốc gây ảo giác LSD. Anh ta đã nhận tội và bị quản chế trong một năm.
Trong vòng 16 tuần sau vụ ám sát, các cơ quan an ninh Arab Saudi tiến hành cuộc điều tra sâu rộng nhưng không tìm thấy động cơ gây án.
Hoàng tử Faisal bin Musaid ban đầu được hoàng gia cho là mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, đánh giá từ các chuyên gia y tế cho thấy Hoàng tử trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo và khỏe mạnh khi thực hiện vụ ám sát.
Nhiều giả thuyết được đưa ra xoay quanh động cơ của hung thủ. Trong đó, lập luận nhiều khả năng nhất là Hoàng tử Faisal muốn trả thù cho cái chết của anh trai Khalid. Hoàng tử Khalid đã bị nhân viên an ninh Arab Saudi giết khi dẫn đầu cuộc biểu tình chống lại một đài truyền hình mới thành lập ở Riyadh. Đài truyền hình này nằm trong nỗ lực hiện đại hóa đất nước của Vua Faisal nhưng nhiều người bảo thủ cho rằng nó đi ngược lại với quy định của Hồi giáo.
Truyền thông Arab nêu giả thuyết rằng Christine Surma, bạn gái của Hoàng tử, đã kích động anh ám sát nhà vua vì cô là người Do Thái và làm việc cho tình báo Israel. Các quan chức Arab Saudi đã thẩm vấn Surma và cô khẳng định mình không phải người Do Thái. Cô cho biết cũng kinh hoàng về hành vi của Hoàng tử như mọi người khác.
Còn có giả thuyết rằng Hoàng tử bất mãn về khoản trợ cấp hàng tháng 3.500 USD (tương đương 16.700 USD theo thời giá hiện nay) từ hoàng gia. Một số nguồn tin cho biết Vua Faisal đã cấm Hoàng tử xuất cảnh vì cháu trai uống quá nhiều rượu và dùng ma túy.
Faisal bin Musaid bị kết tội giết người và chặt đầu công khai tại quảng trường ở thủ đô Riyadh vào ngày 18/6/1975. Đây là hình thức hành quyết truyền thống dành cho tội phạm giết người ở Arab Saudi.
Vào 16h30, vụ xử tử được tiến hành. Hoàng tử Faisal bin Musaid mặc chiếc áo choàng trắng, được quân lính dẫn ra quảng trường. Anh bị bịt mắt và đám đông lặng lẽ theo dõi. “Công lý đã được thực thi”, đám đông hô vang khi bản án được thi hành.
Thanh Tâm (Theo All About Royal Families, VOI)