Quan trọng hơn, tôi nhận ra mình cần phải cập nhật và thay đổi. Vì khi quay lại trường sau một thời gian đi làm, là người già nhất lớp, sự khác biệt tuổi tác, khoảng cách thế hệ khiến tôi nhiều bỡ ngỡ.
Tôi lăn tăn khi không nhiều bạn gen Z biết khoanh tay, cúi đầu chào người lớn. Các bạn tiếc cả tiếng “dạ, thưa”, sẵn sàng cãi tay đôi, “bật” lại người lớn tuổi, cả thầy cô nếu cho rằng bản thân mình đúng hơn. Các bạn không ngần ngại tỏ thái độ, làm việc riêng trong giờ học nếu bài giảng thiếu cuốn hút hay môn học quá khó.
TRƯƠNG QUỐC PHONG
Gen Z chỉ tôi học
Các bạn bầu tôi làm lớp trưởng. Vui nhưng khá căng thẳng và áp lực vì các bạn gen Z có suy nghĩ, cách học khác thế hệ chúng tôi ngày trước. Các bạn nhạy công nghệ, giỏi tính toán, đặc biệt giải toán trên các loại máy tính, cứ bấm nhoay nhoáy ra đáp án. Trong khi tôi còn rị mọ cộng trừ nhân chia theo lối cũ, làm tuần tự theo các bước của công thức nên vô cùng bất lợi khi thi trắc nghiệm.
Có bạn còn chọc tôi cổ lỗ sĩ làm mình hơi tự ái nhưng qua thời gian lại thấy bạn ấy nói đúng. Tôi tập làm quen với cách giải toán trên máy tính và lập tức các bạn chỉ cho tôi rất nhiệt tình. Tôi nhận ra sự tự ái, không chịu lắng nghe, không cập nhật kiến thức, công nghệ từ các bạn gen Z khiến tôi suýt nữa bị bỏ lại phía sau.
Học với các bạn, tôi biết thêm nhiều cách học rất thông minh. Thay vì viết chi chít vào vở, các bạn chỉ nghe và ghi dàn ý, có bạn ghi âm lúc thầy cô giảng.
Đoạn quan trọng, các bạn khéo léo dùng điện thoại chụp lại thông tin. Cuối buổi cứ thế chia sẻ vào nhóm chung của lớp để ai cần lưu lại dùng.
10 năm học với gen Z qua vài trường khác nhau, tôi học được cách kiên nhẫn, bớt khó tính và không phải lúc nào cũng đòi hỏi sự chỉn chu.
Có thể tuổi này hấp tấp, quan trọng kết quả hơn quá trình nhưng điều đó chưa hẳn xấu. Mỗi bạn có cách học, xử lý vấn đề liên quan tương đối linh hoạt, cập nhật hơn với sự hỗ trợ của công nghệ mà không mãi ì ạch, rị mọ tin vào kinh nghiệm đôi khi đến mức bảo thủ như tôi.
Tuy nhiên, không biết có phải vì gen Z là thế hệ xài công nghệ thông tin, giao tiếp ngoại ngữ nhiều hay không mà rất nhiều bạn viết sai chính tả, không chuẩn ngữ pháp. Họ hồn nhiên dùng tiếng lóng hoặc lọt chọt ngoại ngữ trong bài thuyết trình. Thi thoảng còn lập nhóm nói xấu hoặc xiên xỏ thầy cô ngay cả khi mình sai. Điều này thì rõ ràng không nên!
Nhạy bén, dám bước khỏi vùng an toàn
Trong 10 năm đi học lại sau khi đi làm ấy, tôi có làm thêm bán thời gian tại các công ty hoặc tham gia dự án quy tụ nhiều bạn gen Z. Môi trường công việc truyền thông quảng cáo giúp tôi gặp nhiều tính cách nhưng thích nhất là sự dấn thân liều lĩnh, dám làm dám chịu trách nhiệm và sáng tạo của các bạn độ tuổi này.
Họ không ngại làm mới, đề xuất những ý kiến có thể nói là xuất thần mà những người thuộc thế hệ chúng tôi vì sự an toàn, không dám thử nghiệm hoặc bứt phá. Cộng với lợi thế về công nghệ và ngôn ngữ, khi cần tìm kiếm bất kỳ tài liệu mang tính cập nhật, ý tưởng mới, các bạn đóng góp rất nhanh và “phiêu” vượt khả năng mong đợi, cả những ý tưởng cực kỳ bay bổng, sáng tạo song lại làm hài lòng đối tác và được chấp thuận.
Thật khó để bắt các bạn gen Z ngày làm việc 8 tiếng theo kiểu truyền thống đúng dân công sở siêng năng. Các bạn thường đến công ty trễ, phải từ sau 9h mới có thể làm việc tốt bởi nhiều bạn thức đêm rất khuya với những thú vui riêng. Nên muốn thế hệ Z hợp tác, làm việc vui vẻ dù không phải là tất cả nhưng thiết nghĩ đừng áp đặt quan điểm hay cách sống của thế hệ mình lên thế hệ Z.
Có một thực tế là những người trẻ gen Z sẵn sàng bỏ việc nếu cảm thấy mọi thứ không thật sự thoải mái và kém hạnh phúc dưới góc nhìn của họ. Cũng có thể tạm lý giải rằng gen Z được sinh ra trong giai đoạn kinh tế phát triển, nói vui nhưng khá đúng khi họ có bố mẹ sẵn sàng “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Đi làm mà không vừa ý là sẵn sàng “bật” sếp, hầu như lúc nào cũng trong tâm thế thay đổi môi trường làm việc, thậm chí chọn trở thành freelancer để được tự do theo cách họ muốn.
Quan trọng là phải rất tâm lý
Tôi cho rằng làm việc với gen Z không khó. Quan trọng là phải rất tâm lý để biết các bạn thật sự cần gì, mong muốn gì. Đặc biệt là lưu ý cá tính tự tin, khát khao thể hiện và mong muốn khẳng định vị thế, năng lực bản thân của gen Z để có những điều chỉnh, trợ giúp kịp thời cùng các bạn phát triển.
Dĩ nhiên, không nuông chiều theo những thói hư tật xấu của các bạn gen Z kiểu như sở thích ăn chơi thâu đêm suốt sáng bar, pub tàn phá sức khỏe và cơ thể, nhất là không bao giờ thỏa hiệp hay chấp nhận tệ nạn dùng chất kích thích, bay lắc trong giới trẻ.
Hiểu để thương hơn
Tôi làm công việc liên quan đến phim ảnh nên thường xuyên tiếp xúc với các bạn gen Z. Tôi hay nghĩ đến giai đoạn trẻ bước vào tuổi dậy thì mà nhiều nhà tâm lý gọi là tuổi nổi loạn khi nghĩ đến gen Z. Vì các bạn này cũng là dạng “nổi loạn” theo nhiều cách hiểu khác nhau.
Tôi nhớ một dự án phim khi tôi cùng ê kíp vào rừng bấm máy. Có một nữ diễn viên gen Z, sinh viên mới tốt nghiệp và đã có vài vai diễn gọi là. Lúc quay, bạn này diễn hoài không ra nhân vật nhưng đạo diễn nhắc, bạn ấy bật lại luôn. Trong khi đạo diễn cùng ê kíp còn đang bất ngờ với phản ứng này, bạn lại tiếp tục phân tích nhân vật và cách quay, diễn cho phù hợp…
Không bàn đúng sai chuyện nữ diễn viên gen Z ấy phân tích, song thái độ vậy thì việc nhiều người không ưa bạn cũng là dễ hiểu. Mãi đến giờ, tôi cũng ít thấy bạn này trong dự án nào khác và không chắc bạn còn làm nghề không!
Tôi biết thế hệ Z đa phần thông minh, nhanh nhạy nhưng cũng rất chông chênh về mặt cảm xúc. Họ có khá nhiều điều để người khác học hỏi, cả những điều được và chưa được. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết những bạn gen Z luôn khát khao được lắng nghe, nhất là sợ hội chứng FOMO (Fear of Missing Out – Sợ bị lãng quên). Điều này cộng với tuổi còn trẻ, giao tiếp và tương tác số đông còn hạn chế, các bạn gen Z hay coi trọng cái tôi cá nhân nên sẽ còn va vấp.
Với mình, tôi cho rằng cần sự thấu hiểu từ cả hai phía. Ghìm cảm xúc một chút khi hợp tác cùng gen Z sẽ thấy các bạn chịu tiếp thu và dễ thương hơn từng ngày. Ngược lại, chính các bạn ấy cũng hiểu rằng trong thời thế hiện nay, sự thông minh và dấu ấn cá nhân chưa hoàn toàn là thứ được nhà tuyển dụng hay bất cứ ai đặt lên hàng đầu. Thay vào đó là khả năng làm việc nhóm và hiệu quả công việc.
Chẳng ai nói gen Z không thông minh, họ chỉ mệt vì sự thông minh không đúng chỗ. Nên đôi bên đều cần chủ động và vận dụng kỹ năng để hiểu rồi thương thêm thôi.