Theo báo cáo, công tác dân số và phát triển của tỉnh Hoà Bình năm 2023 đạt được kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Dân số toàn tỉnh là trên 896.000 người, trong đó 235.000 người là nữ giới từ 15-49 tuổi; trên 60.000 người sử dụng biện pháp tránh thai, đạt 103,3% kế hoạch. Tổng số trẻ sinh ra là trên 11.000 trẻ. Tỷ số giới tính khi sinh là 111,2 nam/100 nữ, giảm 0,2 điểm so với năm 2022. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 17,2%, giảm 0,9%.
Đến quý I/2024, công tác dân số và phát triển tiếp tục triển khai đồng bộ. Dân số toàn tỉnh tăng lên hơn 900.000 người; tỷ số giới tính khi sinh tăng 1,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 0,8%.
Các hoạt động nâng cao chất lượng dân số được triển khai thường xuyên và hiệu quả, như: mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại trạm y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, các hoạt động tầm soát chuẩn đoán, điều trị các bệnh tật trước sinh và sơ sinh.
Nhằm phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND thành phố Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hòa Bình.
Với mục tiêu phát hiện sớm các vấn đề sức khoẻ của các cặp nam nữ trước khi kết hôn; sức khoẻ thai nhi và các dị tật; giảm thiểu các trường hợp mắc các bệnh lý di truyền; phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh, đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi chào đời, UBND thành phố Hòa Bình đặt chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70% trong đó có xét nghiệm gen bệnh tan máu bẩm sinh và tư vấn phòng bệnh cho thế hệ sau vào năm 2025; đến năm 2030 đạt 90%.
Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật xét nghiệm máu) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 50% năm 2025; đạt 70% năm 2030. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030.
Tỷ lệ phường, xã có điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% vào năm 2025; 90% năm 2030. Tỷ lệ cơ sở y tế đủ năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo đúng hướng dẫn chuyên môn.
Trong thời gian từ năm 2025 đến năm 2030, thành phố sẽ triển khai truyền thông, vận động chuyển đổi hành vi nhằm tăng tỷ lệ các đối tượng tự nguyện tham gia khám sức khoẻ trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ khám sức khoẻ trước sức khoẻ trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, quản lý đối tượng, tư vấn sâu sau sàng lọc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ các hoạt động tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, công tác lấy mẫu máu xét nghiệm, quản lý theo dõi đối tượng. Tiếp nhận sổ quản lý đối tượng khám sức khoẻ trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/hoa-binh-phan-dau-70-cac-cap-doi-duoc-kham-suc-khoe-tien-hon-nhan.html