Hộ vệ hạm HMAS Toowoomba của hải quân Australia cập Cảng Sài Gòn sáng 12/10, bắt đầu chuyến thăm TP HCM 5 ngày với nhiều hoạt động giao lưu.
Hộ vệ hạm HMAS Toowoomba mang số hiệu 156 được lai dắt vào Cảng Sài Gòn lúc 9h30 ngày 12/10.
Đây là lần thứ hai tàu thăm TP HCM, sau chuyến thăm đầu tiên vào năm 2018 cùng tàu hộ vệ HMAS Anza và tàu hậu cần HMAS Success.
Đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết chuyến thăm của HMAS Toowoomba cùng thủy thủ đoàn diễn ra ngày 12-17/10, với nhiều hoạt động giao lưu giữa quân nhân hai nước và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về cấp cứu khẩn cấp, liên lạc đột xuất trên biển khi các tàu chạm mặt (PASSEX) hay tìm kiếm cứu nạn.
Các thủy thủ xếp hàng trên hộ vệ hạm HMAS Toowoomba khi tàu vào cảng. Tàu chiến này biên chế 191 thủy thủ, lính thủy đánh bộ và chuyên viên.
Chuyến thăm của hộ vệ hạm HMAS Toowoomba diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình Nỗ lực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương năm 2023 (IPE23) của chính phủ Australia, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa Australia với mọi quốc gia trong khu vực nhằm đảm bảo hòa bình, thịnh vượng và an ninh chung.
Chuyên viên Cảng Sài Gòn xử lý dây cố định hộ vệ hạm Australia.
HMAS Toowoomba là một trong 8 hộ vệ hạm lớp Anzac của hải quân Australia. Tàu hạ thủy vào năm 2003 và biên chế từ tháng 10/2005.
Tàu có chiều dài 118 m, lượng giãn nước toàn tải 3.600 tấn, phạm vi hoạt động khoảng 6.000 hải lý ở vận tốc 18 knot (khoảng 33 km/h). Vận tốc tối đa của tàu trong điều kiện biển và thời tiết lý tưởng là 27 knot (hơn 50 km/h).
Vũ khí chủ lực của tàu hộ vệ lớp Anzac là pháo đa dụng Mark 45 cỡ nòng 127 mm. Tàu còn được trang bị hệ thống phóng ngư lôi Mark 46 và hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41 dành cho tên lửa phòng không Sea Sparrow RIM-162.
Tàu có bãi đáp và khoang chứa trực thăng, đủ điều kiện biên chế trực thăng đa nhiệm thế hệ mới nhất là MH-60R Seahawk để nâng cao năng lực chống tàu ngầm, tác chiến mặt biển và tìm kiếm cứu nạn.
Hệ thống 8 ống phóng tên lửa chống hạm và tấn công mặt đất Harpoon được bố trí ở phần thân trước, phía dưới đài chỉ huy.
Hộ vệ hạm vừa hoàn tất bảo dưỡng và nâng cấp giữa thời hạn sử dụng vào tháng 4/2022. Chương trình bảo dưỡng kéo dài 18 tháng, dành cho các tàu hải quân lớp Anzac, diễn ra tại Khu phức hợp Hàng hải Australia ở Henderson, bang Tây Australia.
Chuẩn tướng Tony McCormack, chỉ huy chương trình IPE23, bắt tay đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó tham mưu trưởng Hải quân Vùng 2, tại lễ đón hộ vệ hạm HMAS Toowoomba.
Ông McCormack (giữa) nhấn mạnh các hoạt động hợp tác quốc phòng Việt Nam – Australia có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hữu nghị song phương.
Ông kỳ vọng chuyến thăm của hộ vệ hạm Australia lần này sẽ củng cố mối quan hệ bền chặt giữa hải quân và quân đội hai nước.
Nhóm hoa tiêu của Biên phòng Việt Nam và chuyên viên Cảng Sài Gòn rời tàu chiến Australia.
Trung tá Darin MacDonald, chỉ huy HMAS Toowoomba, cho biết nhóm hoa tiêu và chuyên viên Việt Nam lên tàu vào khoảng 5h, khi hộ vệ hạm đi qua phao số 0 tại Vũng Tàu, để hỗ trợ thủy thủ đoàn đưa tàu di chuyển trên sông Sài Gòn khi vào cảng.
“Tôi nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ các hoa tiêu cảng trong suốt hành trình. Họ nắm chính xác quy luật của dòng sông, đưa ra những chỉ dẫn rất rõ cho tôi và lái tàu để đảm bảo hành trình an toàn vào đến cảng”, trung tá MacDonald nói.
Một số thủy thủ Australia tập trung ở boong tàu để quan sát khu vực Bến Bạch Đằng sau khi lễ đón tàu kết thúc. Chỉ huy Darin MacDonald cho biết đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của hầu hết thủy thủ trên tàu.
Theo chuẩn tướng Tony McCormack, hải quân Australia cam kết duy trì hoạt động thường xuyên trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông tin rằng Australia sẽ triển khai thêm nhiều chuyến thăm cảng tại Việt Nam, một trong những đối tác ưu tiên trong chính sách quốc phòng của Australia.
Trong khuôn khổ IPE23, ngoài Việt Nam, Australia còn triển khai các hoạt động hợp tác với các nước Đông Nam Á và Ấn Độ Dương gồm Bangladesh, Brunei, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Đông Timor và Thái Lan.
Thanh Tùng – Thanh Danh