Ngày 23/11 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung – cầu” nhằm giúp các doanh nghiệp và ngành nghề thúc đẩy hiệu quả kết nối cung và cầu, phát triển bền vững.
Toàn cảnh Diễn đàn “Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung – cầu”, ngày 23/11 tại Hà Nội . (Ảnh: Hồng Châu) |
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Quang Hùng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, trong tình hình thế giới đang đối mặt với nhiều biến đổi và thách thức, việc đẩy mạnh kết nối cung cầu không chỉ là cách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn là một hướng đi cần thiết để xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đảm bảo sự thịnh vượng bền vững cho tương lai. Sự kết nối cung – cầu giúp tối ưu hóa tài nguyên, khuyến khích sự đổi mới và phát triển sản phẩm, cũng như tạo cơ hội hợp tác và tăng cường cạnh tranh.
Diễn đàn “Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung – cầu” giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên sản xuất, từ đó tạo ra hiệu suất kinh tế cao hơn và giảm thiểu lãng phí; thúc đẩy sự đổi mới trong cách doanh nghiệp và ngành công nghiệp kết nối với nhau dẫn đến việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới và cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống hỗ trợ và chính sách kinh tế để thúc đẩy hiệu quả kết nối cung và cầu, từ đó giúp các doanh nghiệp và ngành nghề phát triển bền vững; và bằng cách tối ưu hóa cấu trúc kinh tế và tăng cường kết nối giữa cung và cầu, chương trình có tiềm năng tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam, giúp đảm bảo sự ổn định và phát triển trong tương lai.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển thương mại điện tử (TMĐT) đã chia sẻ những thông tin quan trọng về sự phát triển của thị trường TMĐT Việt Nam và những thách thức đang phải đối mặt.
Trong giai đoạn gần đây, TMĐT tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, với sự bứt phá của các nền tảng như Shopee, Tiki, Lazada…Cụ thể, tại Việt Nam, quy mô ngành thương mại điện tử bán lẻ đã tăng trưởng 20%, từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên khoảng 16,4 tỷ USD năm 2022, với 57-60 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong năm vừa qua (theo số liệu Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022).
Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7,2% – 7,8%, gấp đôi so với thời điểm cách đây 5 năm. Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như vậy, một trong những thách thức quan trọng là khả năng quản lý. Ông Thành nêu rõ rằng, sự minh bạch trong quản lý sàn TMĐT cần được cải thiện để xây dựng niềm tin với người tiêu dùng. “Người tiêu dùng ngày càng chú ý đến sản phẩm xanh sạch và thân thiện với môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp TMĐT để thích ứng và đáp ứng nhu cầu này,” ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, các nền tảng như Lazada, Shopee, và Tiki đã bắt đầu hình thành một hệ sinh thái thương mại bền vững, từ xây dựng nền tảng, vận chuyển đến thanh toán trực tuyến, điều này giúp đơn giản hóa quá trình mua sắm cho người tiêu dùng.
Thị trường TMĐT Việt Nam hiện cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, từ vấn đề hàng giả, hàng nhái đến vi phạm sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, vấn đề không cân đối trong thị trường thương mại điện tử giữa thành thị và nông thôn, khiến thị trường trở nên không đồng đều.
“Hiện các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai thành phố này chiếm khoảng 70% dân số bán lẻ trực tuyến trên toàn quốc, còn lại 61 tỉnh thành chỉ chiếm dưới 30%, tỷ lệ này là rất nhỏ. Điều này khiến thị trường giữa các tỉnh thành phố hiện đang không cân xứng”, ông Thành chia sẻ.
Ông Thành đề xuất các biện pháp cụ thể như cải thiện chính sách và quy chế, giảm chi phí xử lý đơn hàng, và nâng cao nhận thức của người mua cũng như người bán để đảm bảo sự phát triển bền vững cho TMĐT Việt Nam.
Tại Diễn đàn, ông Thành đề cập đến thách thức về nguồn gốc và ngôn ngữ trong thương mại điện tử. Việc đảm bảo nguồn gốc của sản phẩm và làm cho chúng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng địa phương là chìa khóa quan trọng để vượt qua những rào cản này. Ông đề xuất, doanh nghiệp nên nắm vững nhu cầu cụ thể của thị trường địa phương và tận dụng ngôn ngữ địa phương để tạo sự gần gũi và tin cậy.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, một trong những giải pháp hiệu quả kết nối cung – cầu tín dụng là đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa Ngân hàng và doanh nghiệp là cộng sinh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng là gỡ khó cho Ngân hàng. Trong thời gian qua, không chỉ doanh nghiệp tìm đến ngân hàng mà các Ngân hàng đã chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có chính sách tín dụng phù hợp.
Vấn đề tiếp cận vốn tín dụng, đẩy mạnh kết nối cung – cầu tín dụng là nội dung quan trọng ngành Ngân hàng cần tiếp tục thực hiện từ nay đến cuối năm để giúp doanh nghiệp vừa giải quyết khó khăn do tác động kép của nền kinh tế thế giới, vừa khắc phục hạn chế nội tại của chính các doanh nghiệp; để tạo sự đồng bộ, kết nối giữa cung và cầu nhằm tạo động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế cần có sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng chia sẻ, thảo luận về các nội dung: Ứng dụng TMĐT trong hoạt động kết nối cung – cầu; về đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng tính nhận diện hàng Việt Nam; Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung – cầu tín dụng tạo động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế; về cơ hội và thách thức trong thúc đẩy kết nối cung – cầu; Giải pháp của doanh nghiệp ứng phó với khó khăn, đồng thời tận dụng cơ hội trong thời gian tới…