Ho khiến cơ thể tiêu tốn năng lượng, tùy vào từng loại, lượng calo được đốt cháy cũng khác nhau, có thể từ 2 calo hoặc hơn.
Ho là cách cơ thể phản ứng khi có tác nhân kích thích cổ họng hoặc đường thở. Não nhận thông điệp từ các dây thần kinh, sau đó ra lệnh cho các cơ ở ngực và bụng đẩy không khí ra khỏi phổi bằng cách ho.
Ho giúp tống chất kích thích ra ngoài, song nếu kéo dài vài tuần hoặc ho đờm, ho ra máu thường là dấu hiệu của một số bệnh lý, cần đi khám.
Ho mạnh và kéo dài dễ kích ứng phổi, khiến người bệnh mệt mỏi, có thể gây mất ngủ, chóng mặt, đau đầu, tiểu không tự chủ, nôn ói. Ho kéo dài bao lâu tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Theo WebMD, ho được phân chia làm nhiều loại gồm. Ho có đờm là loại ho có nhiều chất nhầy, tạo tiếng ồm ồm trong phổi khi ho. Ho không có đờm là cơn ho khan hay ho khô không tạo ra chất nhầy. Ho cũng được chia thành cấp tính và bán cấp. Ho cấp tính xuất hiện đột ngột và kéo dài trong 2-3 tuần. Ho bán cấp xuất hiện khi nhiễm trùng, khoảng 3-4 tuần. Người mắc bệnh ho mạn tính (kéo dài 8 tuần hoặc lâu hơn) cần được chăm sóc y tế.
Mọi hoạt động đều đốt cháy calo, ho cũng vậy. Ho đốt cháy năng lượng và tùy vào từng loại, lượng calo được đốt cháy từ hoạt động này cũng khác nhau.
Lượng calo mà cơ thể sử dụng khi ho được đo bằng mức độ ho cộng thời gian ho. Nếu ho trong thời gian dài, cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn so với ho đơn thuần. Ho nặng tác động đến toàn thân, đốt cháy calo ở mức cao nhất. Ho khan, ho do kích ứng thời tiết thường không tiêu tốn năng lượng. Một cơn ho có thể tiêu tốn 2-3 calo nên người bị ho dai dẳng thường dễ sút cân, khó tăng cân.
Để tránh mất năng lượng do ho dẫn đến mệt mỏi, thể trạng kém, người bệnh nên sớm xác định nguyên nhân để tìm hướng điều trị. Một số nguyên nhân phổ biến như ho do virus gây cảm lạnh và cúm, dị ứng các tác nhân như nấm mốc, mạt bụi, lông thú, hen suyễn.
Bệnh nhỏ giọt sau mũi khiến chất nhầy chảy từ mũi xuống cổ họng cũng gây ho, nhiễm trùng xoang, trào ngược axit, viêm phế quản kích ứng khí quản, dây thanh âm, cổ họng cũng dẫn đến ho.
Mọi người có thể thử một số cách tự nhiên dưới đây để giảm ho như dùng viên ngậm, uống chất lỏng ấm, hít không khí ấm, ẩm và sử dụng thuốc ho. Uống mật ong với trà nóng hoặc nước ấm pha một thìa mật ong trước khi đi ngủ. Tránh các yếu tố kích hoạt nếu nguyên nhân gây ho do dị ứng. Điều trị bệnh lý như hen suyễn, trào ngược axit, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi (nếu có).
Hầu hết ho đều vô hại, nhưng nếu trên hai tuần không rõ nguyên nhân, đi kèm chất nhầy màu xanh, vàng, ra máu, khó thở…, người bệnh nên đi khám sớm để được điều trị phù hợp, tránh biến chứng.
Anh Chi (Theo WebMD, Livestrong)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |