- Dòng họ, bản làng không có hộ nghèo
- Phong trào “dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” tại Thừa Thiên Huế
Thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 1,84% và đến cuối năm 2023, đủ điều kiện đưa A Lưới thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo quốc gia.
Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Để đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, ngay từ đầu giai đoạn, Ban Chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều giải pháp, cách làm để giúp hộ nghèo, cận nghèo giải quyết việc làm, xoá nhà tạm, phát triển sinh kế, tạo thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo.
Trong đó, nhằm phát động sâu rộng trong các dòng họ, dòng tộc, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn toàn tỉnh tích cực tham gia công tác giảm nghèo bền vững, Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” từ năm 2023.
Đến nay, 9/9 huyện, thị xã và TP Huế đã tổ chức lễ phát động, với 131/141 xã, phường, thị trấn tổ chức Lễ phát động. Thông qua lễ phát động, 5.913 triệu đồng đã được huy động để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng các mô hình sinh kế cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ tháng 10/2022 đến 9/2023, Quỹ Vì người nghèo các cấp đã huy động được 15,683 tỷ đồng; cùng với nguồn quỹ năm 2021 chuyển sang, đã giúp người nghèo xóa nhà tạm, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn sản xuất,… với số tiền 17,85 tỷ đồng. Hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 438 ngôi nhà, trị giá 9,051 tỷ đồng; hỗ trợ vốn sản xuất cho 231 hộ nghèo, trị giá 1,206 tỷ đồng.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng bản đồ số về các hộ nghèo không có khả năng lao động (4.903 hộ). Hiện nay, hơn 4.000 hộ có tọa độ vị trí, phân loại hộ bảo trợ, hộ có công, thể hiện thông tin cơ bản của chủ hộ, số nhân khẩu, hình ảnh liên quan khi xác minh, tổng quan vị trí các hộ, lọc theo từng địa bàn, theo từng cấp đến thôn, tổ dân phố.
Chính quyền các cấp, ngành liên quan, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội thông qua các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, các nhóm Zalo để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững; đồng thời, chú trọng cung cấp thông tin cho các trưởng họ, trưởng tộc, người có uy tín về công tác giảm nghèo bền vững, các thông tin về đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế để các dòng họ, dòng tộc, người có uy tín chủ động tuyên truyền và vận động trong dòng họ, làng, bản mình.
Đến nay, 100% dòng họ, dòng tộc của các địa phương cam kết không phát sinh hộ nghèo trong dòng họ, dòng tộc. Các dòng họ, dòng tộc trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác huy động các nguồn lực từ con cháu trong các dòng họ, dòng tộc để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở, tặng quà cho các hộ nghèo, vận động con cháu tham gia học nghề, tìm việc làm…
Trao đổi tại Hội nghị rà soát kết quả triển khai phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” diễn ra chiều 29/11, ông Lê Khắc Quân, đại diện họ Lê Khắc ở làng Ưu Điềm (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền) cho biết, sau khi Đảng uỷ xã Phong Hoà phát động phong trào, dòng họ Lê Khắc đã triệu tập con cháu để phổ biến các nội dung, chính sách giảm nghèo bền vững. Sau đó, vận động các gia đình chung tay giúp đỡ những hộ nghèo, neo đơn trong dòng họ; đồng thời động viên nhau cùng phấn đấu làm kinh tế giỏi để không có hộ nghèo, tạo điều kiện tốt nhất cho con cháu học tập.
Năm 2023, họ Lê Khắc đã trao quà cho 4 hộ neo đơn, hỗ trợ 2 hộ nghèo sửa chữa lại nhà ở; chung tay phụng dưỡng 2 cụ già neo đơn. “Dòng họ Lê Khắc làng Ưu Điềm quyết tâm trở thành dòng họ không có hộ nghèo vào năm 2024”, ông Lê Khắc Quân quả quyết.
Ông Mai Văn Tâm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 3 (xã Hương Lộc, huyện Nam Đông) cho biết, hiện toàn thôn có 1 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Thời gian qua, thôn 3 đã huy động tốt các nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, hàng năm giúp các hộ nghèo làm vườn (trung bình 2 vườn/năm). Địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của thôn 3 giảm theo từng năm.
Ông Huỳnh Công Quảng, Bí thư Huyện uỷ, Trưởng BCĐ giảm nghèo bền vững huyện A Lưới khẳng định, nhờ triển khai quyết luyệt, đồng bộ các giải pháp, trong đó có phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Phong trào đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 77% dân số toàn huyện) đồng tình, hưởng ứng. Hơn 3.000 hộ nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình.
Sau 2 năm thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, A Lưới đã đưa được 3.573 hộ thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện A Lưới còn 24,4% (3.485 hộ), đủ điều kiện để thoát huyện nghèo quốc gia vào cuối năm 2023.
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của cả hệ thống chính trị là xóa nhà tạm và hỗ trợ việc làm cho các hộ nghèo với những giải pháp căn cơ, giảm nghèo theo từng tiêu chí, phương án thoát nghèo cho từng hộ, lồng ghép nguồn lực các CTMTQG.
Do đó, phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” phải được tập trung thực hiện đạt hiệu quả cao hơn nữa, tiếp tục góp phần giảm thấp tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh.