Ông Cang chăm sóc đàn bò.
Hiện nay, việc tổ chức chăn nuôi theo chuỗi giá trị là mô hình khá phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Hình thức này bảo đảm cho người chăn nuôi tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, bảo đảm việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Trần Minh Cang- Giám đốc Công ty TNHH TMC Cow (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) áp dụng mô hình chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị, mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định, góp phần nâng cao giá trị bò thương phẩm trên địa bàn tỉnh.
Giống bò Brahman được ông Cang chọn nuôi có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu ở Tây Ninh. Tỷ lệ thịt đạt từ 52% – 55%, thịt săn chắc, thơm ngon. Bò cái rất mắn đẻ và dễ đẻ. Bê sơ sinh mỗi con có trọng lượng từ 22 – 25kg.
Ông Cang cho biết: “Trang trại diện tích 5 ha, trong đó tôi đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi trên diện tích 4.000m2, diện tích còn lại được sử dụng để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Hiện trang trại có tổng đàn hơn 200 con bò Brahman, gồm 30 con bò sinh sản và hơn 170 con bò thịt. Ngoài việc bán cho thương lái, tôi còn chế biến bò viên, khô bò, chả bò, xúc xích bò với công nghệ khép kín đạt chuẩn”.
Theo ông Cang, ban đầu công ty chế biến với quy mô vừa và nhỏ, sản phẩm làm ra phục vụ thị trường chưa nhiều, nhưng được thị trường ưa chuộng và đón nhận. Trong thời gian tới, công ty xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi và chế biến để phục vụ cho người tiêu dùng.
Phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị giúp người chăn nuôi củng cố kiến thức, kỹ năng trong việc tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, gia tăng thu nhập.
Trong quá trình chăn nuôi, vấn đề môi trường được ông Cang rất quan tâm. Ông Cang sử dụng men vi sinh trộn vào phân bò để hạn chế mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Ông Cang cho biết, lợi ích lớn nhất khi phát triển nuôi bò thịt theo chuỗi khép kín là người chăn nuôi an tâm, tự tin, lợi nhuận thu được cao hơn so với cách nuôi nhỏ lẻ. Phế phẩm trong chăn nuôi trở thành phân bón cho trồng trọt, sản phẩm từ trồng trọt trở thành thức ăn trong chăn nuôi, như vậy đã làm giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, đây được gọi là vòng tuần hoàn khép kín trong chăn nuôi được ông Cang áp dụng một cách hiệu quả.
Trang trại sử dụng phụ phẩm từ chăn nuôi bò nuôi trùn quế, trùn quế làm thức ăn để nuôi lươn không bùn
Ngoài ra, ông Cang đầu tư xây 60 bể, lót bạt xung quanh, mỗi bể dùng lưới chia làm 2 ngăn, mỗi ngăn có diện tích khoảng 2m2 để nuôi lươn. Đến nay, mô hình nuôi lươn không bùn của ông Cang phát triển tốt và cho thu nhập khá cao, khoảng 300 triệu đồng/vụ lươn.
Mô hình chăn nuôi kết hợp, lấy ngắn nuôi dài, trang trại sử dụng phụ phẩm từ chăn nuôi bò như: phân của bò để làm trùn quế, trùn quế làm thức ăn cho cá và lươn, đây là những vật nuôi có thời gian thu hoạch nhanh hơn chăn nuôi bò.
Theo ông Cang, kế hoạch đến năm 2025, trang trại mở rộng diện tích trồng cỏ lên 10 ha, tăng tổng đàn lên 1.000 con bò thịt, để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến các sản phẩm: khô bò, bò viên, chả bò và thịt bò tươi cấp đông với thương hiệu bò tơ Tây Ninh.
Vừa qua, Saigon Co.op ký kết về việc cung ứng sản phẩm của Tây Ninh, trong đó có sản phẩm của Công ty TNHH TMC Cow, đây là cơ hội để sản phẩm của công ty được vào siêu thị, góp phần quảng bá hình ảnh và sản phẩm bò tơ Tây Ninh đến với người tiêu dùng.
Nhi Trần – Nhật Quang